Quần áo, túi xách, đồng hồ giả nhãn hiệu tràn ngập chợ Bến Thành, Ninh Hiệp

Trong năm vừa qua, Tổng cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 trong đó có nhiều điểm nóng vi phạm tại Hà Nội và TP.HCM như khu vực chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp,...

Toàn cảnh Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp"

Tại Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" do Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 26/11, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cho biết, trong năm vừa qua, Tổng cục QLTT kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng.

Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

Một số vụ việc điển hình như: Vụ việc hàng giả là quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại chợ Bến Thành, TP. Hồ Chí Minh, chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội; kho hàng hóa tại quận Hải An, Hải Phòng, hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giả mạo các nhãn hiệu của Thụy Sĩ tại Đà Nẵng, Khánh Hòa,...

Theo ông Đạt, hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề nóng trong xã hội. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

"Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng", ông Đạt nói.

Do đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn. Trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn.

"Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn, chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật…", ông Đạt cho hay.

Về vấn đề xử lý các hành vi vi phạm, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 407 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó khởi tố 50 vụ/63 bị can.

Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, ông Tạo cho biết.

Ông chủ trang bán hàng giá rẻ Trung Quốc mất 5 tỷ USD một đêm

Vụ Nhật Cường vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng

Công ty sữa lớn nhất Mỹ phá sản

Không để hàng hóa gian lận xuất xứ xuất hiện tại Online Friday 2019

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/quan-ao-tui-xach-dong-ho-gia-nhan-hieu-tran-ngap-cho-ben-thanh-ninh-hiep-3528499.html