Quận Bình Thạnh sẽ xử lý sao các cảnh sát ăn hối lộ?

Hễ báo chí bỏ công thu thập thông tin, bằng chứng thì y như rằng các tiêu cực của lực lượng cảnh sát phát lộ. Nhiều nhất là cảnh sát giao thông của nhiều địa phương hoặc trực tiếp hoặc thông qua 'cò' đã có rất nhiều lần nhận chung chi để bỏ qua hàng loạt vi phạm.

Giờ báo Pháp Luật TP.HCM lại phanh phui CSTT-cơ động - Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) với hành vi sai phạm tương tự thông qua sự tiếp sức của vài người bán hàng gần nơi tổ công tác làm việc. Phải chăng các sai phạm trong lực lượng cảnh sát đang trở nên rất phổ biến nên báo chí chịu khó “ngắm nghía” đến đâu là bắt quả tang đến đó?

Chốt cảnh sát trật tự-cơ động xử lý xe chạy ngược chiều bên chợ Bà Chiểu và ông bán nước dừa “quyền lực” tên Xuân (khoanh đỏ). Ảnh: PV

Chốt cảnh sát trật tự-cơ động xử lý xe chạy ngược chiều bên chợ Bà Chiểu và ông bán nước dừa “quyền lực” tên Xuân (khoanh đỏ). Ảnh: PV

Đường Bùi Hữu Nghĩa ở bên hông chợ Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) có một đoạn khoảng 200 m là đường một chiều. Dẫu ở đầu đường có biển cấm nhưng rất đông xe máy từ Bình Thạnh vẫn tạt vào đường này để sang quận 1. Dù với bất cứ lý do gì thì các xe máy đó đều phạm lỗi đi ngược chiều của đường một chiều. Hành vi này bị phạt tiền 300.000-400.000 đồng và còn có thể bị tước bằng lái xe 1-3 tháng.

Với một số quyền lực được giao để thi hành phận sự, thay vì lập biên bản vi phạm, tạm giữ bằng lái xe hoặc xe để bảo đảm việc xử phạt nhằm mục đích răn đe thì các CSTT-cơ động trên đã làm ngược lại. Những chế tài hành chính nghiêm khắc đã được vài người môi giới và quan trọng hơn là chính các CSTT-cơ động lợi dụng để… hù dọa, ép buộc những người vi phạm phải lót tay cho họ, càng nhiều ở mức có thể càng tốt (!).

Phải mất khá nhiều thời gian, công sức thì báo Pháp Luật TP.HCM mới có thể ghi nhận đích xác việc “làm luật” của tổ trên và nó đã xảy ra trong thời gian rất dài. Vì sao?

Chúng tôi muốn đề cập sự chưa hoàn thiện của tổ chức bộ máy, đặc biệt là của cơ chế, chính sách khiến các sai phạm trong lực lượng cảnh sát (cùng các vi phạm giao thông của những người lái xe) cứ nhan nhản.

Ở Singapore, các viên chức ít tham nhũng do ba không. Gồm có: “Không thể” (nếu làm bậy thì dễ bị phát hiện và có thể bị tịch thu tài sản); “không dám” (có thể bị mất việc, bị tịch thu tiền có khi lớn gấp nhiều lần số tiền làm bậy; nếu dấm dúi nhận hối lộ và hối lộ sẽ bị xử lý hình sự); “không muốn” (do được trả lương đủ sống và còn lo được cho gia đình, con cái).

Đối với nước ta, quy định về tiền lương, về việc xử lý tài sản bất minh chưa thể như nước bạn để hết thảy các cảnh sát đều “không muốn”, “không thể”. Vậy chúng ta có thể thực hiện ngay các giải pháp để lực lượng này “không dám” mãi lộ, được không?

“Không dám” ở đây là phải sớm khắc phục những hạn chế trong tổ chức công việc, quản lý nhân sự và hoạt động thanh tra trong nội bộ ngành để chủ động thanh lọc bộ máy. “Không dám” còn đồng thời là phải xử lý thật nghiêm khắc các cá nhân sai phạm để bất kỳ ai đã tự nguyện đến với ngành và được tuyển dụng vào ngành công an đều không được lạm dụng quyền lực để tư lợi.

Công an quận Bình Thạnh cùng nhiều cơ quan công an khác sẽ phải nỗ lực làm được như vậy chứ không thể khác hơn.

THU TÂM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/theo-dong/quan-binh-thanh-se-xu-ly-sao-cac-canh-sat-an-hoi-lo-792076.html