Quan chức Mỹ: ASEAN là trọng tâm trong ngoại giao đa phương ở châu Á

Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell nhận định Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN thể hiện tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và tạo cơ hội gắn kết hai bên.

“Chúng ta đang trong một giai đoạn quan trọng”, ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói hôm 11/5. Điều đó thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden tham vấn với các đồng minh và đối tác xuyên Đại Tây Dương, đồng thời tăng cường đối thoại với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng những thách thức chiến lược lớn hơn sẽ diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới”, ông dự doán.

Theo ông Campbell, có một số điểm khác biệt quan trọng giữa chính sách về châu Á thời chính quyền ông Biden với chính quyền cựu Tổng thống Obama. “Bối cảnh đã thay đổi. Điều ngày càng rõ ràng chính là trung tâm chính trị toàn cầu đang dịch chuyển về phía Ấn Độ Dương”, ông nói.

 Tiến sĩ Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: Yonhap.

Tiến sĩ Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: Yonhap.

Tầm quan trọng của ngoại giao đa phương

Ông Campbell nhận định Mỹ hiện vừa muốn gắn kết với châu Âu, vừa muốn tìm đến với những thách thức và cơ hội mới ở châu Á.

Ông đánh giá Đông Nam Á là nơi lợi ích trùng khớp với lợi ích chiến lược của Mỹ. Khi Tổng thống Biden tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Campbell cho biết nội dung thảo luận về hỗ trợ đối phó với dịch Covid-19, khả năng ứng phó thiên tai, nhận thức về lĩnh vực hàng hải, đầu tư vào năng lượng xanh và các mục tiêu khác.

Bên cạnh đó, theo ông, hầu hết quốc gia ở Đông Nam Á muốn những mối quan hệ thiết thực, quan trọng, lâu dài với Mỹ và các quốc gia khác.

“Đây là những xu hướng mà Đông Nam Á ủng hộ. Thách thức lâu dài không phải là liệu chúng ta có thể cạnh tranh được hay không, mà là liệu chúng ta có thể tập hợp, xây dựng và thực hiện một chiến lược bền vững ở Đông Nam Á”, ông nói.

Ngoài ra, ông Campbell cũng cho rằng hội nghị cấp cao đặc biệt diễn ra ở Washington lần này thể hiện tầm quan trọng của ngoại giao đa phương.

“Thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này, chúng ta có thể nhận thấy rằng ngoại giao đa phương ở khu vực châu Á được tiến hành với trọng tâm là ASEAN. Mặc dù Mỹ đã tham gia một số nhóm đối thoại khác, ASEAN vẫn là trung tâm trong quan điểm của Washington về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tiến sĩ nói thêm.

Các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Tổng thống Biden chụp ảnh lưu niệm. Do Philippines vừa tiến hành bầu cử, Tổng thống Rodrigo Duterte không tham dự hội nghị. Thay vào đó, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. là người góp mặt. Đại diện của Myanmar cũng không tham dự. Ảnh: Kyodo.

Gắn bó mật thiết

Theo chia sẻ của ông Campbell, một sự kiện lớn về kinh doanh cũng nằm trong khuôn khổ hội nghị lần này. “Một trong những điều chúng ta đang tìm kiếm là tạo ra các phương thức và cơ hội để đầu tư, giúp Mỹ và ASEAN gắn bó mật thiết hơn”, ông cho biết.

“Một số sáng kiến trong các lĩnh vực mà chúng tôi muốn đẩy mạnh hợp tác với ASEAN tập trung hơn vào các vấn đề liên quan đến khí hậu, cơ sở hạ tầng”, ông cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Campbell cũng nhận định rằng thương mại là thách thức chính trị và gây tranh cãi ở Mỹ. Vì vậy, Mỹ đã xây dựng một cách tiếp cận mà Washington cho rằng đáp ứng nhiều thách thức quan trọng của đầu tư và thương mại trong việc thiết lập tiêu chuẩn của thế kỷ 21.

“Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) sẽ thực sự tập trung vào các lĩnh vực quan trọng trong việc giao thương ở thế kỷ 21, các phương thức đầu tư, các vấn đề liên quan đến thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch,...”.

Về vấn đề biến đổi khí hậu và những căng thẳng địa chính trị mà khu vực tiểu vùng sông Mekong đang đối mặt, ông Campbell cho rằng một số sáng kiến mới sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

“Mỹ thừa nhận vấn đề an ninh nguồn nước rất quan trọng. Đông Nam Á là khu vực có thể gánh chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, đây là vấn đề thực sự cấp bách cần giải quyết trong các cuộc tham vấn của hội nghị đặc biệt”, ông khẳng định.

Theo ông Campbell, Hội nghị cấp cao Đông Nam Á được tổ chức tại Campuchia vào cuối năm nay và Tổng thống Biden được kỳ vọng sẽ tham gia sự kiện này. Trong khoảng thời gian 5-6 tháng tới, ông Campbell cho rằng các nước sẽ tiếp tục thúc đẩy những sáng kiến đã đề ra.

"Mỹ đã có mối quan hệ thương mại kinh tế sâu sắc hơn với một số quốc gia, chẳng hạn Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, và ngày càng tham gia nhiều hơn trong toàn khối ASEAN nói chung", ông nói, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về việc cải thiện quan hệ song phương với các quốc gia trong khối.

Tổng thống Mỹ tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng Sau hai năm đại dịch, hội nghị Mỹ - ASEAN đã trở lại bằng việc Tổng thống Joe Biden mời lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đến cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Vân Đinh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-my-asean-la-trong-tam-trong-ngoai-giao-da-phuong-o-chau-a-post1316460.html