Quan chức Nhà Trắng ra điều trần phục vụ điều tra luận tội Tổng thống

Quang cảnh bên ngoài Nhà Trắng ở Washington DC., Mỹ ngày 5/8/2019. Nguồn: THX/TTXVN

* Bộ Tài chính Mỹ công bố mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong 7 năm

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Giám đốc cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và bảo tồn sinh học của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Mỹ Tim Morrison là quan chức Nhà Trắng đầu tiên dự định ra điều trần như một phần của cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump do Đảng Dân chủ phát động liên quan đến những cuộc tiếp xúc của Tổng thống Trump với phía Ukraine.

Bà Barbara Van Gelder, luật sư của ông Morrison, ngày 25/10 cho biết thân chủ của bà dự định ra làm chứng nếu nhận được trát đòi điều trần, ngay cả khi Nhà Trắng tìm cách ngăn chặn ông làm điều này.

Trong một tuyên bố, bà Barbara Van Gelder nêu rõ: “Nếu nhận được trát đòi điều trần, ông Morrison dự định trình diện để cung cấp bằng chứng của mình” và từ chối cho biết chi tiết về nội dung ông Morrison sẽ trình bày tại phiên điều trần.

Ông Morrison được Đảng Dân chủ xem là một nhân chứng chủ chốt phục vụ điều tra. Ông này được cho là liên quan đến cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó Tổng thống Trump gây sức ép với Tổng thống Zelensky mở một cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - một trong những đối thủ hàng đầu của ông trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trước đó, ngày 22/10, ông Bill Taylor, Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine, đồng thời là người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2006 đến năm 2009, đã "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump với những báo cáo chi tiết về cách thúc ép chính quyền Kiev làm mất uy tín cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cũng như rút viện trợ quân sự đối với Ukraine để gây áp lực.

Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng lời khai trước Quốc hội của ông Bill Taylor là một sự xác nhận mạnh mẽ đối với những cáo buộc của đảng này rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài nhằm gây tổn hại tới ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Hiện, đảng Cộng hòa chưa đưa ra phản ứng về những tình tiết mà ông Bill Taylor vừa công bố, song Nhà Trắng đã bác bỏ cái mà họ gọi là "chiến dịch bôi nhọ phối hợp" này.

* Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/10 cho biết Chính phủ nước này đã kết thúc tài khóa 2019 với khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất trong 7 năm qua do các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp kinh phí trả nợ công và chi tiêu gia tăng.

Theo bộ trên, các số liệu phản ánh tài khóa đầy đủ thứ hai dưới thời Tổng thống Donald Trump được đưa ra vào thời điểm nước Mỹ tiến hành các biện pháp tăng thuế, cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm qua.

Trong tài khóa 2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 984 tỉ USD, chiếm 4,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của tài khóa 2018 là 779 tỉ USD, tương đương 3,8% GDP. Tổng thu từ thuế tăng 4%, song tổng mức chi tiêu tăng 8,2%.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt mức đỉnh là 1.400 tỉ USD vào năm 2009 khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama tiến hành các biện pháp khẩn cấp để củng cố hệ thống ngân hàng quốc gia nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và kích thích nền kinh tế trên đà suy thoái.

Thâm hụt ngân sách hàng năm giảm xuống mức 585 tỉ USD vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Obama và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã chỉ trích ông Obama vì không làm giảm mức thâm hụt ngân sách thêm nữa.

Kể từ đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã gia tăng một phần do việc cải tổ hệ thống thuế của đảng Cộng hòa, vốn làm giảm mạnh trong ngắn hạn các khoản thu từ thuế doanh nghiệp, và tăng chi tiêu quân sự. Cuối tài khóa 2019, các khoản trả thuế doanh nghiệp tăng 5%.

Thuế hải quan, vốn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động nhằm vào Trung Quốc và các nước khác đã tăng 70% bình quân hàng năm. Kinh phí dành cho các chương trình chi tiêu quốc phòng, y tế và an sinh xã hội cũng gia tăng. Hiện nay, dân số Mỹ đang già hóa và các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi phí bắt buộc dành cho an sinh xã hội và y tế cũng như các chương trình hưu trí liên bang cho người cao tuổi sẽ không bền vững.

Trước đó trong năm 2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua một thỏa thuân ngân sách trong hai năm nhằm tăng ngân sách liên bang cho các chương trình quốc phòng và đối nội khác. Thâm hụt ngân sách gia tăng nảy sinh từ việc trả lãi cho các khoản nợ công. Các khoản vay tiếp tục gia tăng trong năm 2019.

Tháng Chín vừa qua, Chính phủ Mỹ đã ghi nhận mức thặng dư ngân sách 83 tỉ USD, giảm 31% so với tháng 9/2018, trong khi đó, tổng chi là 291 tỉ USD và tổng thu từ thuế là 374 tỉ USD, tương ứng với các mức tăng 30% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/230615/quan-chuc-nha-trang-ra-dieu-tran-phuc-vu-dieu-tra-luan-toi-tong-thong.html