Quan điểm của Luật sư về thỏa thuận khung giữa China Policy Limited và Công ty Hồng Phát

Liên quan đến vấn đề Thỏa thuận khung được ký kết ngày 01/06/2007 giữa Công ty China Policy Limited (CPL) với Cty CP địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) trong việc hợp tác cùng thực hiện Dự án Khu dân cư (KDC) cao cấp và Trường đua ngựa theo tiêu chuẩn quốc tế tại địa bàn hai xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tuy nhiên việc thực hiện này đang bị vướng, bởi những điều kiện vô lý của đối tác mà Công ty CPL đưa ra. Nhằm có cách nhìn khách quan về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Song Thanh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Người dân kỳ vọng, sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.

Như đã thông tin trước đó, ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và CPL ký kết “Thỏa thuận khung”, ghi nhận những điều khoản cơ bản. Theo đó, hai bên xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho Dự án là 140 triệu USD, Công ty Hồng Phát và CPL dự định ký kết một Hợp đồng thành lập “Công ty liên doanh” với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất; CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập Công ty liên doanh) để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng…hoàn thành thủ tục cấp quyền sử dụng đất.

Tại thời điểm đó, Công ty Hồng Phát mới được UBND tỉnh Long An phê duyệt chủ trương về việc phát triển Dự án trọng điểm “Khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa” trên diện tích 493ha, trong đó có 273ha tại Đức Lập để phát triển khu dân cư cao cấp và 220ha tại Tân Mỹ, để phát triển trường đua ngựa đạt tiêu chuẩn quốc tế, một câu lạc bộ đua ngựa và một số nhà ở khác.

Trong đó: Diện tích 273ha (Giai đoạn I) tại xã Đức Lập đã có Quyết định thu hồi đất; đang trong giai đoạn thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân. Đến tháng 02 năm 2008, UBND tỉnh Long An mới có Quyết định giao 232,6ha cho Công ty Hồng Phát (trong tổng 273ha giai đoạn I); đến tháng 3 năm 2009 Công ty Hồng Phát mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 232,6ha nêu trên.

Diện tích 220ha (Giai đoạn II) tại Tân Mỹ chưa có bất kỳ văn bản nào về việc thu hồi hay giao cho Công ty Hồng Phát. Đến tận thời điểm hiện nay (2018), Hồng Phát mới được cấp Giấy chứng nhận một phần diện tích Giai đoạn II.

Thông qua nội dung của “Thỏa thuận khung”, đánh giá tính pháp lý trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai, Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Song Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghiên cứu vụ việc và hồ sơ cho thấy, tại thời điểm ký kết Thỏa thuận khung thì toàn bộ diện tích đất của Dự án (Giai đoạn I và giai đoạn II) vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước; Công ty Hồng Phát chưa được giao quyền sử dụng hợp lệ (bằng Quyết định giao đất) và hợp pháp (bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đối với phần diện tích đất này.

Công văn của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hướng dẫn áp dụng quy định của Luật đất đai về trường hợp Công ty Hồng Phát góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc Dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Cũng theo Luật sư Hà Thị Thanh cho biết: Tại Công văn số 864/TCQLĐĐ-CSPC ngày 16/05/2018 của Tổng cục quản lý đất đai - Bộ tài nguyên và môi trường về việc hướng dẫn áp dụng quy định của Luật đất đai về trường hợp Công ty Hồng Phát góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc Dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã chỉ rõ: Tại thời điểm năm 2007, Công ty Hồng Phát chưa đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất của Dự án để hợp tác sản xuất kinh doanh với Công ty China Policy Limited.

Theo hướng dẫn của Bộ tài nguyên và môi trường: Tại thời điểm ký kết Thỏa thuận khung với CPL, Công ty Hồng Phát chưa có quyền (vì chưa có đủ điều kiện) để góp vốn bằng quyền sử dụng đất của Dự án để hợp tác, thành lập Công ty liên doanh thực hiện Dự án với CPL. Do đó, thỏa thuận khung với nội dung Công ty Hồng Phát góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty Liên doanh để thực hiện Dự án là trái với quy định tại khoản 1, Điều 106 Luật đất đai năm 2003 (văn bản có hiệu lực tại thời điểm đó). Căn cứ quy định tại Điều 122, 128 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: Thỏa thuận khung giữa CPL và Hồng Phát ký kết ngày 01/06/2007 là giao dịch vô hiệu.

Luật sư Thanh cho rằng: Như vậy, về mặt nội dung thỏa thuận khung là một giao dịch vô hiệu do Công ty Hồng Phát chưa có quyền (đủ điều kiện) để thực hiện việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của Dự án tại thời điểm ký kết.

Về mặt hình thức của thỏa thuận, đánh giá tính pháp lý trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư, Luật sư Hà Thị Thanh phân tích: Thỏa thuận khung ngày 01/06/2007 đã ký kết giữa CPL và Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát hoàn toàn chưa có hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật đầu tư năm 2005. Thỏa thuận khung là một văn bản thỏa thuận ghi nhận về việc hợp tác kinh doanh giữa CPL và Công ty Hồng Phát. Theo quy định tại khoản 9, Điều 55, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư năm 2005 như sau: Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Long An vẫn chỉ cấp duy nhất Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty ty Hồng Phát đối với Dự án Phát triển khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa” tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Được biết, tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 07/11/2018 của Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an đã trả lời về kết quả xác minh như sau: “China Policy Limited (CPL) là Công ty con của Chuang’s Consortium International Limited, có địa chỉ đăng ký trụ sở hoạt động tại Vistra Corporate Services Centre,Wickhams Cay II, Road Town, Tortola, VG1110, BIV. Qua xác minh tại các cơ quan chức năng cho thấy, đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam.”

Theo quan điểm của Luật sư Hà Thị Thanh thì: Đến thời điểm CPL khởi kiện tại VIAC về việc thực hiện Thỏa thuận khung (năm 2010) và cho đến tận hiện nay (năm 2018) thì thỏa thuận khung nêu trên vẫn chưa có hiệu lực, vì CPL và việc hợp tác kinh doanh với Công ty Hồng Phát chưa được đăng ký và chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam. Nhưng khi tiến hành tố tụng trọng tài, Hội đồng Trọng tài lại không xem xét, đánh giá tính pháp lý của Thỏa thuận khung; đưa ra Phán quyết yêu cầu Hồng Phát và CPL tiếp tục thực hiện Thỏa thuận khung - một giao dịch vô hiệu.

Hơn nữa, Hội đồng trọng tài cũng không xem xét, đánh giá về hiệu quả, tính khả thi của Phán quyết khi đưa vào thi hành án. Ngay tại thời điểm tố tụng trọng tài, mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm thực hiện Dự án, về lợi ích của CPL và Hồng Phát đã tương đối lớn, hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc tiếp tục hợp tác, thành lập Công ty liên doanh. Cho nên, có thể dự liệu được về việc hai bên có thể ký kết Hợp đồng liên doanh là khó có khả năng thi hành, mà trong khi đó việc ký kết Hợp đồng phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của hai bên, không một cơ quan, tổ chức nào (bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan đăng ký đầu tư, kinh doanh) có thể làm thay hai bên đương sự được. Từ đó, có thể nhận định được trước rằng: Phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện CPL về việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận khung là khó có thể thi hành trên thực tế.

Phán quyết Trọng tài vụ việc số 29/12 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày 27/03/2013 giữa China Policy Limited (CPL) và Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát vừa trái với quy định của hệ thống pháp luật đầu tư tại thời điểm đó, vừa không có khả năng thi hành trên thực tế.

Nhưng Phán quyết đó đã và đang được đưa ra thi hành tại Long An, làm khó không chỉ Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An mà cả chính quyền tỉnh Long An.

Công văn của Bộ kế hoạch và đầu tư hướng dẫn về việc áp dụng quy định của pháp luật đầu tư

Luật sư Thanh cũng cho rằng: Theo hướng dẫn về việc áp dụng quy định của pháp luật đầu tư của Bộ Kế hoạch và đầu tư tại Văn bản số 2463/BKHĐT-PC đề ngày 17/04/2018 thì việc CPL chuyển tiền cho Công ty Hồng Phát để hợp tác và sử dụng cho hoạt động đầu tư của Dự án mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì chưa có cơ sở xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào Dự án đầu tư với tư cách nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Vì vậy, việc chuyển vốn này chỉ là giao dịch dân sự giữa CPL và Hồng Phát và được giải quyết theo thủ tục dân sự nếu có tranh chấp xảy ra; không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại.

Qua những phân tích, đánh giá trên, căn cứ quy định của pháp luật về đất đai; đầu tư và tố tụng trọng tài thương mại, Luật sư Hà Thị Thanh cho rằng: Đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về việc: Thỏa thuận khung ký ngày 01/06/2007 giữa CPL và Công ty Hồng Phát là giao dịch vô hiệu; Việc thi hành Phán quyết Trọng tài của VIAC về việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận khung là không thể tiếp tục vì việc thi hành sẽ làm trái nguyên tắc pháp chế và quy định của pháp luật.

Cho nên, theo Luật sư Hà Thị Thanh thì trong trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự nên xem xét đến khả năng ra quyết định đình chỉ thi hành án, đồng thời phối hợp với Bộ tư pháp, Tòa án nhân dân hướng dẫn các đương sự thực hiện việc khởi kiện về các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận khung cho đúng thẩm quyền và có cơ sở để thi hành án hơn.

Nhóm PVPL

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/quan-diem-cua-luat-su-ve-thoa-thuan-khung-giua-china-policy-limited-va-cong-ty-hong-phat.html