Quan điểm về Biển Đông trong năm Việt Nam nhận vai trò Chủ tịch AIPA 41

Vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp nhận chức Chủ tịch Ðại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), nhiệm kỳ 2019-2020, tại phiên bế mạc AIPA 40 tổ chức ở Bangkok, Thái Lan. Đây là lần thứ 3, Quốc hội Việt Nam nhận trọng trách quan trọng này. Đảm nhiệm vai trò, nhiệm vụ Chủ tịch AIPA trong nhiệm kỳ mới cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cùng với các thành viên AIPA, các nước quan sát viên, các quốc gia khách mời nỗ lực, đoàn kết thông qua nhiều nghị quyết, thông cáo chung cụ thể, thiết thực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Phiên khai mạc hội nghị AIPA 40. Ảnh: Quochoi.vn

Phiên khai mạc hội nghị AIPA 40. Ảnh: Quochoi.vn

Ấn tượng Việt Nam tại AIPA 40

Tham dự AIPA 40 năm nay, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của toàn thể đại biểu tham dự Đại hội đồng.

Đại hội đồng AIPA 40 do nước chủ nhà Thái Lan đăng cai tổ chức có chủ đề chung là “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” (cùng mục tiêu chung của ASEAN là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”), thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Thái Lan là phát triển AIPA trở thành một đối tác quan trọng cùng ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng. AIPA 40 có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo Nghị viện, nghị sĩ 10 quốc gia thành viên AIPA và các nước quan sát viên của AIPA, cùng các đối tác của nước chủ nhà Thái Lan, trong đó có 6 Chủ tịch Quốc hội.

Trong bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp, cộng đồng ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro... Dù vậy, ASEAN vẫn đạt những kết quả tốt đẹp trên cả ba trụ cột của cộng đồng, các nước thành viên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Vì vậy, các bên cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với vấn đề Biển Đông, trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, xuất phát từ bối cảnh trên, cần tiếp tục nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, khẳng định vai trò của ASEAN là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các hoạt động của AIPA, phát huy quan hệ đối tác AIPA - ASEAN. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn AIPA tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN; củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ứng phó hiệu quả các vấn đề tác động hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm phát huy vị thế, vai trò của AIPA. Bên cạnh đó, AIPA cần tích cực, chủ động hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong gắn kết tương hỗ giữa triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030; ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về thúc đẩy liên kết khu vực toàn diện và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, rác thải biển.

Bên cạnh phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại các phiên họp giữa các nước thành viên AIPA và các quan sát viên, đoàn đại biểu Việt Nam đã tiếp tục khẳng định quan điểm của Việt Nam về tinh thần xây dựng, hợp tác, đoàn kết và phát triển của Việt Nam, một thành viên luôn tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nội dung Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA 40 cũng đã nhìn nhận quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề về Biển Đông.

“Năm 2020 là năm rất đặc biệt đối với Việt Nam”

Tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA 41 nhiệm kỳ 2019-2020, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự được nhận trọng trách mới và khẳng định, trong bối cảnh đầy biến động như ngày nay, các nghị sĩ AIPA cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề của khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, hợp tác cùng phát triển; đồng thời, AIPA cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò, chức năng lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và các nguồn lực cần thiết, đồng hành cùng các chính phủ trong ASEAN vì một cộng đồng ASEAN gắn kết, đổi mới, sáng tạo và thích ứng với thời đại cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hướng tới phát triển bền vững vì lợi ích của mọi người dân.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm đánh giá lại chặng đường 5 năm phát triển kể từ năm 2015, khi cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành và rút ra những kinh nghiệm cho 5 năm tiếp theo; đồng thời, là năm rất đặc biệt đối với Việt Nam khi cùng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là Năm Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới hoạt động của AIPA, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ AIPA, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác giữa AIPA với ASEAN, các tổ chức quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương khác để thúc đẩy triển khai các cam kết, kế hoạch đề ra trong xây dựng cộng đồng ASEAN - tầm nhìn 2025.

Mục tiêu của Việt Nam trong việc cùng các nước thành viên ASEAN nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN thịnh vượng, bền vững sẽ còn gặp nhiều thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động hiệu quả, trở thành đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi của mọi công dân ASEAN.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-diem-ve-bien-dong-trong-nam-viet-nam-nhan-vai-tro-chu-tich-aipa-41/