Quân đội các nước chung một chiến tuyến

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở mỗi nước cũng như trên toàn thế giới đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực của nhiều lực lượng, từ quân đội, cảnh sát, y tế, chính quyền các địa phương tới người dân… Trong đó, quân đội vẫn là một trong những lực lượng tiên phong trong cuộc chiến ở cấp độ toàn cầu này.

Tại Hàn Quốc, từ đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng nước này đã lên kế hoạch huy động các nhân viên quân y và quân nhân “nhiều nhất có thể” để hỗ trợ cuộc chiến của chính phủ chống lại dịch Covid-19. Theo hãng tin Yonhap, một số lượng lớn binh sĩ Hàn Quốc đã được điều tới hỗ trợ các chính quyền địa phương dập dịch, đặc biệt là tại hai “điểm nóng” Daegu và Bắc Gyeongsang. Nhiệm vụ của họ cũng hết sức đa dạng, từ khử trùng các địa điểm công cộng cho tới phân phát khẩu trang cho người dân. Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, lực lượng quân đội nước này còn đặc biệt tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng tới các doanh trại.

 Các binh sĩ triển khai bệnh viện dã chiến tại thành phố Mulhouse, phía Đông nước Pháp để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: thelocal.fr.

Các binh sĩ triển khai bệnh viện dã chiến tại thành phố Mulhouse, phía Đông nước Pháp để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: thelocal.fr.

Tương tự, sau khi virus SARS-CoV-2 cho thấy dấu hiệu lây lan ngày càng mạnh và rộng tại Mỹ, Nhà Trắng đã thảo luận với Lầu Năm Góc về việc xem xét huy động lực lượng quân đội tham gia chống dịch, với nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ thành lập các bệnh viện dã chiến tại các bang có số bệnh nhân tăng nhanh. Gần đây nhất, Bộ chỉ huy nhân sự của quân đội Mỹ cũng đề nghị 10.000 quân nhân đã nghỉ hưu cân nhắc việc quay trở lại phục vụ ở các trung tâm y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Đến nay, lời kêu gọi này đã được hàng nghìn người từng làm trong các đơn vị cấp cứu, chăm sóc y tế hưởng ứng và đáp lại. Tờ Politico cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-3 đã ký sắc lệnh cho phép Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa triển khai khoảng 1 triệu binh sĩ dự bị vào cuộc chiến chống dịch. Sắc lệnh này cũng cho phép các quân binh chủng của quân đội Mỹ điều động lực lượng quân y và những đội ứng phó thảm họa khẩn cấp để tăng khả năng chống dịch Covid-19.

Còn tại Thái Lan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng của nước này Prayut Chan-o-cha mới đây đã ra lệnh cho các lượng lượng vũ trang Thái Lan mở cửa các bệnh viện do quân đội quản lý nhằm giúp ngăn chặn tình trạng thiếu giường trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19. Theo đó, tất cả bệnh viện do quân đội Thái Lan quản lý và điều hành sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp các cơ sở y tế công lập bị quá tải. Lực lượng quân đội Thái Lan còn đảm trách nhiều nhiệm vụ khác, như: Hỗ trợ giới chức y tế tiến hành kiểm tra y tế tại các sân bay, cảng biển và các chốt kiểm soát biên giới trên toàn quốc, đồng thời tham gia các chiến dịch khử trùng, sản xuất khẩu trang phòng dịch…

Vừa dồn sức chống dịch, quân đội nhiều nước vừa dồn trí tuệ cho cuộc đua nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các mẫu vaccine ngừa Covid-19, bởi đây được coi là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để có thể đẩy lùi đại dịch.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới Quân đội nhân dân Việt Nam với những cán bộ, chiến sĩ đang “đứng mũi, chịu sào nơi đầu sóng, ngọn gió” trong trận tuyến phòng, chống đại dịch Covid-19 bằng nhiều hành động cụ thể và hiệu quả. Điều này không chỉ được người dân mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng thừa nhận và đánh giá cao.

Đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới chao đảo và lực lượng quân đội các nước không thể đứng ngoài cuộc mà phải cùng bước vào trận chiến chung-trận chiến thời bình.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quan-doi-cac-nuoc-chung-mot-chien-tuyen-614236