'Quân đội châu Âu' của ông Macron có thể làm suy yếu chính nước Pháp?

Đề xuất thành lập quân đội châu Âu sẽ không được chính người châu Âu ủng hộ, thậm chí là cả người dân Pháp. Lý do vì sao?

Châu Âu có thể không hào hứng với đề nghị của Tổng thống Macron.

Theo quan điểm của Lãnh đạo Liên minh Nhân dân Cộng hòa (UPR), François Asselineau, đề xuất về việc thiết lập quân đội châu Âu có thể trở thành một yếu tố làm suy yếu chính bản thân nước Pháp.

Vào ngày 6/11, trong một cuộc phỏng vấn với Europe 1, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, ông ủng hộ việc tạo ra một "quân đội châu Âu thực sự", đặc biệt là để ngăn chặn Nga, vốn được coi là “mối đe dọa”, bên cạnh Trung Quốc, hoặc thậm chí là Mỹ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UPR nhấn mạnh, đề xuất này không hề xuất hiện trong nội dung vận động tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron và "vì vậy ông sẽ không giành được sự ủng hộ của người dân Pháp”.

Ngoài ra, đề xuất này có thể có nghĩa là "Pháp cũng có thể phải chia sẻ lực lượng tấn công hạt nhân của mình với Đức. Tất cả điều trên thực sự sẽ làm suy yếu ảnh hưởng và chủ quyền của Pháp", Asselineau nói thêm.

Chính phủ Pháp đã chỉ trích "sự thiếu lịch sự" của Tổng thống Mỹ khi coi ý tưởng thành lập quân đội châu Âu là sự xúc phạm. Tuy nhiên, chính Tổng thống Macron đã không dò xét trước ý kiến của các thành viên EU.

"Ông Macron đưa ra đề xuất đó mà chưa bao giờ hỏi qua ý kiến các nước thành viên EU khác - không chỉ Pháp và Đức, mà là 28 nước thành viên EU, có thể là 27 khi người Anh sẽ rời khỏi. Ông ấy hành động như thể các nước khác không hề có vai trò gì", ông Asselineau nói.

Ví dụ, các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, các nước vùng Baltic, Slovakia, Bulgaria và Romania, có lập trường khá thân Mỹ.

Tại sao nhà lãnh đạo Pháp dường như không nhận thức được điều đó, hay giả vờ không nhận thức được điều đó?

"Chúng tôi có thể chắc chắn 100% rằng các nước Baltic, Ba Lan và các nước Đông Âu khác, chưa kể Đức, sẽ không đồng ý với đề xuất của Macron về việc tạo ra một đội quân châu Âu để đối đầu với Mỹ”, lãnh đạo UPR nhấn mạnh.

"Điều 42 của Hiệp ước Liên minh châu Âu nói rằng chính sách an ninh và quốc phòng chung phải tương thích với chính sách an ninh và quốc phòng chung được thiết lập trong NATO, vì NATO được đề cập trong Điều 42 là có tính ưu việt hơn so với bất kỳ chiến lược quốc phòng nào”, François Asselineau nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump gọi ý tưởng này là "xúc phạm" và đề xuất với châu Âu nên trả phần tiền nhiều hơn cho NATO để cân bằng với khoản đóng góp của Washington.

Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin mô tả đề nghị của người đồng cấp Pháp là một “mong muốn tự nhiên” và sẽ là "một bước đi tích cực hướng tới việc củng cố thế giới đa cực".

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quan-doi-chau-au-cua-ong-macron-co-the-lam-suy-yeu-chinh-nuoc-phap-a411415.html