Quân đội chung châu Âu: Vẫn chỉ là công cụ của Mỹ

Tương lai của Quân đội chung châu Âu có thể vẫn chỉ là một cái bóng của NATO hay nói cách khác là một công cụ của Mỹ ở châu Âu.

Pháp kêu gọi lập Quân đội chung châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa tiếp tục đưa ra đề xuất thành lập “quân đội toàn châu Âu”, hoạt động độc lập với Hoa Kỳ, bao gồm cả cho mục đích an ninh mạng.

"Chúng ta sẽ không thể bảo vệ người châu Âu nếu không quyết định thành lập quân đội châu Âu thực sự. Chúng ta phải có một châu Âu có khả năng tự bảo vệ mình, tốt nhất là hoạt động độc lập, không có Hoa Kỳ", ông Macron phát biểu trên đài phát thanh Europe 1.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng, hiện nay châu Âu đang phải đối mặt trước một số lượng lớn những nỗ lực nhằm can thiệp vào các quá trình dân chủ nội bộ cũng như không gian nội bộ của châu lục này.

"Ngày hôm nay chúng ta thấy ngày càng có nhiều nỗ lực can thiệp vào không gian mạng và cuộc sống dân chủ của chúng ta. Do đó, chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là cả trước Hoa Kỳ" - ông Macron kết luận.

Bình luận tuyên bố của Macron về thành lập “quân đội toàn châu Âu” (hay còn được gọi là NATO châu Âu), phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas nói rằng, mặc dù có triển vọng và thực sự cần thiết, nhưng còn quá sớm để nói về việc thành lập lực lượng vũ trang chung của EU.

"Tôi không nghĩ rằng việc hợp nhất về quốc phòng sẽ bắt đầu ngay với quân đội EU, mà sau đó mới tiến hành tất cả công tác chuẩn bị. Để bắt đầu chúng ta nên đi ngược từ vấn đề cuối cùng đến vấn đề đầu tiên, và tại thời điểm nào đó, có lẽ là khi kết thúc quá trình này chúng ta mới thấy được điều mà một số người đã mô tả là quân đội EU" - ông nói với các phóng viên tại Brussels.

Theo Schinas, để việc hợp nhất quốc phòng châu Âu trở nên có ý nghĩa và quyết liệt hơn trong thời kỳ địa chính trị khó khăn này, cần bắt đầu với sự nỗ lực trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, mua sắm thiết bị quân sự và phân bổ nguồn lực tài chính phù hợp.

Các nước EU đang nỗ lực thành lập Quân đội chung châu Âu

Vị đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết, ban điều hành của Liên minh châu Âu hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, coi đó là "hoàn toàn phù hợp với công việc của Liên minh châu Âu".

Những bước tiến trong việc thành lập Quân đội chung châu Âu

Ý tưởng về một cấu trúc quân sự thống nhất đã được bàn luận từ lâu và đang từng bước được thực hiện. Nguyên mẫu của lực lượng vũ trang châu Âu được gọi là Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO), được lưu trong Hiệp ước Lisbon năm 2007.

Trước đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng nhấn mạnh rằng, việc thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu và thậm chí thành lập quân đội châu Âu là điều không thể tránh khỏi và châu Âu hy vọng đến nắm 2025, Liên minh này sẽ bước vào hoạt động.

Để hiện thực hóa điều này, một số cường quốc châu Âu đã bắt đầu chuyển động những bước đi đầu tiên.

Vào ngày 25/6 năm nay, 9 trong số 25 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có những tành viên quan trọng nhất đã chính thức ký kết văn kiện về việc thành lập Lực lượng can thiệp quân sự châu Âu (trong khuôn khổ “Sáng kiến can thiệp châu Âu”).

Các quốc gia thành viên EU như Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ký kết thông qua kế hoạch thành lập lực lượng can thiệp quân sự châu Âu, có nhiệm vụ ứng phó với những thảm họa thiên tai, can thiệp khủng hoảng và sơ tán người châu Âu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-doi-chung-chau-au-van-chi-la-cong-cu-cua-my-3368735/