Quân đội Hàn Quốc từng âm mưu động binh để bảo vệ bà Park Geun-hee

Một tài liệu vừa được công bố cho biết: quân đội Hàn Quốc từng lập kế hoạch động binh để đàn áp người biểu tình hồi năm 2017, nhằm giữ bà Park Geun-hee ở ngôi Tổng thống.

Bà Park Geun-hee đã bị kết án tù - Ảnh: Quartz

Bà Park Geun-hee đã bị kết án tù - Ảnh: Quartz

Hãng tin AP ngày 14.7 (giờ Mỹ) cho biết những tranh cãi về kế hoạch đảo chính của quân đội Hàn Quốc vừa nổi lên hồi tuần trước, khi một nghị sĩ đảng cầm quyền tiết lộ tài liệu do Bộ chỉ huy an ninh quốc phòng (DSC, cơ quan tình báo quân đội) soạn thảo.

Tài liệu này cho thấy kế hoạch của quân đội có cả kịch bản đảo chính, dù các chuyên gia nói rất ít khả năng xảy ra một cuộc đảo chính khác ở Hàn Quốc:

Kế hoạch dàn quân nhằm mục tiêu nếu cuộc biểu tình của người phản đối và ủng hộ bà Park trở nên bạo lực, tiếp sau phán quyết tòa hồi tháng 3.2017 quyết định số phận của vị nữ tổng thống đầu tiên. Trước đó vào tháng 12.2016, các nghị sĩ đã luận tội bà Park tham nhũng và lạm quyền.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Lim Tae-hoon đã phân tích tài liệu, nói kế hoạch của CSD rõ ràng tính đến khả năng đàn áp hàng triệu người phản đối bà Park xuống đường biểu tình trong ôn hòa, đòi cách chức bà Park.

Ông Lim chỉ ra các kế hoạch ban hành lệnh giới nghiêm, cách để quân đội “lách” dây chuyền chỉ huy để nhanh chóng triển khai đến thủ đô, và ông Kim nghi ngờ một nhóm nhỏ chỉ huy quân đội âm mưu đảo chính để tăng quyền lực cho bà Park, nếu bà thoát được toan tính loại bỏ bà.

Ông Lim nói: “Hoàn toàn không có lý do nào cho quân đội chuẩn bị kế hoạch dàn quân và thậm chí tính đến thiết quân luật”.

Sau khi Tòa án Hiến pháp chính thức tước chức tổng thống của bà Park, những cuộc biểu tình phản đối phán quyết rầm rập diễn ra, nhưng nó chưa thể là mối đe dọa an ninh quốc gia. Kết quả là kế hoạch dàn quân không được thực hiện.

Dân Hàn Quốc biểu tình phản đối bà Park - Ảnh : AP

Tiếp sau sự phẫn nộ, người kế nhiệm bà Park, ông Moon Jae-in (trúng cử tổng thống tháng 5.2017) ra lệnh điều tra về tài liệu.

Nghị sĩ Baek Hye-ryun thuộc đảng cầm quyền của ông Moon nói: “Sẽ chẳng khác gì một cuộc đảo chính”, nếu chỉ huy quân đội âm mưu dùng các biện pháp cứng rắn để đàn áp người biểu tình chống bà Park.

Ông Kim Dong-yub, một cựu sĩ quan Hàn Quốc nay là nhà phân tích ở Viện nghiên cứu Viễn Đông (ở Seoul), nói rõ ràng nhóm lập kế hoạch “sẵn sàng thực hiện những nỗ lực bệnh hoạn và hoảng loạn để giữ quyền lực, nếu tòa cứu chức tổng thống của bà Park”.

Người lính thời nay sẽ không chịu nghe lệnh chĩa súng vào đồng bào

Nhưng các chuyên gia quân sự khác nói bất chấp cuộc phản đối ôn hòa, quân đội buộc phải sẵn sàng đối phó tình trạng khẩn cấp, khi cần thiết phải có can thiệp quân sự để duy trì trật tự.

Không ai trong 5 chuyên gia quân sự mà AP phỏng vấn nghĩ là thật sự có nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính ở Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Cựu chủ tịch Kim Taewoo của Viện thống nhất quốc gia (ở Seoul) nói: “Thậm chí không có đến 0,1% cơ hội đó” .

Nhóm chuyên gia đưa ra các giải thích không thể có đảo chính:

- Thời đại điện thoại thông minh và dịch vụ internet ở Hàn Quốc sẽ cực kỳ gây khó cho quân nổi loạn giữ bí mật kế hoạch đảo chính và tung quân đến những vùng đông dân cư.

Hàn Quốc là một trong các quốc gia kết nối mạng rộng nhất thế giới, và cứ 10 công dân thì 8 người có điện thoại thông minh.

- Lực lượng đảo chính sẽ phải chiếm đài truyền hình và các tờ báo, để hướng dòng thông tin có lợi cho họ đến người dân. Nhưng việc này rất khó làm vào thời đại truyền vidéo trực tiếp trên Facebook, Twitter và YouTube.

- Xe tăng, xe quân sự của lực lượng đảo chính có thể không bao giờ đến được Seoul đúng giờ, vì tình trạng kẹt xe nổi tiếng ở thành phố này.

- Quan trọng nhất, nhiều lính trẻ và sĩ quan chào đời và lớn lên trong thời dân chủ, có thể sẽ không tuân lệnh nếu chỉ huy của họ quay ra chống lại chính đồng bào của mình.

Chuyên gia quân sự Kim Dae-young nói: “Tinh thần công dân của quân binh hoàn toàn khác với thời trước. Nếu họ bị ra lệnh chĩa súng vào đồng bào của mình (chứ không vào người Triều Tiên) thì tôi không tin họ sẽ làm theo lệnh”.

Hàn Quốc hiện có hơn 600.000 quân, đa số là nam giới trong độ tuổi 20 phải thi hành nghĩa vụ quân sự hai năm.

Quá khứ kinh hoàng của các Tổng thống độc tài quân sự

Tướng Chun ra lệnh đưa xe tăng vào thành phố Gwangju đàn áp - Ảnh: AP

Dù vậy, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn còn nhớ thời các nhà độc tài quân sự cầm quyền đã bỏ tù, tra tấn và xử tử những người biểu tình chống chế độ.

AP mở đầu thông tin về kế hoạch dàn quân đảo chính bằng hình ảnh một nhóm tướng lĩnh đưa xe tăng và quân binh vào thủ đô Seoul để chiếm quyền lực. Lính dù nã súng vào đám đông đòi dân chủ, xe tăng và xe bọc thép chắn trước các đại học để hù dọa sinh viên phản đối....

Cảnh tượng quân đội can thiệp này chưa hề có lại ở Hàn Quốc, từ khi nước này theo chế độ dân chủ hồi cuối những năm 1990.

Phản ứng mạnh của dân Hàn Quốc phần nào liên quan lịch sử gia đình bà Park, con gái cố Tổng thống Park Chung-hee, một vị tướng độc tài cầm quyền ở Hàn Quốc gần 20 năm trước khi bị chính chỉ huy tình báo của ông ám sát năm 1979.

Lúc rạng sáng 16.5.1961, tướng Park từng dẫn hàng ngàn thủy quân lục chiến, lính dù và các lực lượng khác tiến vào Seoul, thực hiện vụ đảo chính đầu tiên. Trong thời gian cầm quyền, ông thường áp dụng thiết quân luật, ra các lệnh đàn áp người biểu tình và bỏ tù người chống đối.

Tướng Park từng thoát chết sau hai vụ mưu sát trước đó, và ông bào chữa cho chế độ độc tài bằng lập luận CHDCND Triều Tiên đe dọa an ninh Hàn Quốc.

Người ủng hộ ông Park ca ngợi ông là “người hùng”, có công công nghiệp hóa đất nước nhanh chóng, phục hồi Hàn Quốc sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng người phản đối gọi ông là lãnh đạo bạo tàn, đáp áp dân sự đẫm máu.

Chưa đầy 2 tháng sau khi Tướng Park bị ám sát, Thiếu tướng Chun Doo-hwan cùng các chiến hữu lái xe tăng và đưa quân vào Seoul hồi tháng 12.1979, thực hiện cuộc đảo chính thứ hai.

Năm 1970, Tướng Chun tổ chức cuộc đàn áp nhóm nổi dậy đòi dân chủ ở thành phố Gwangju, giết chết ít nhất 200 người.

Mùa hè 1987, những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ buộc chính phủ Tướng Chun chấp nhận tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp. Nhưng chiến hữu Roh Tae-woo (từng cùng Chun tổ chức cuộc đảo chính 1979) trúng cử vào cuối năm 1987, chủ yếu do phiếu bầu rải lẻ tẻ cho các ứng cử viên đối lập.

Sau khi thôi chức, cả hai ông Chun - Roh đều bị bắt, bị ở tù một thời gian vì bị cáo buộc phản quốc, nhận hối lộ cùng nhiều tội danh khác.

Tổng thống độc tài Chun Doo-hwan bị kết án tù - Ảnh: AP

Trung Trực (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/quan-doi-han-quoc-tung-am-muu-dong-binh-de-bao-ve-ba-park-geun-hee-92541.html