Quân đội Iran mạnh cỡ nào?

Quân đội Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông, cùng lực lượng Quds tinh nhuệ có mạng lưới rộng khắp khu vực và công nghệ máy bay không người lái tinh vi.

Iran đã bắn hơn 10 tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, nhằm đáp trả cuộc không kích ám sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei nói rằng cuộc tấn công bằng tên lửa là “cú tát vào mặt” đối với Mỹ. Vậy quân đội Iran mạnh cỡ nào?

Khả năng tên lửa của Iran

Theo BBC, kho tên lửa đạn đạo của Iran là một phần quan trọng trong sức mạnh quân sự của Tehran, do nước này thiếu sức mạnh không quân so với các đối thủ như Saudi Arabia, đặc biệt là Israel.

Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng tên lửa đạn đạo của Iran được đánh giá lớn nhất Trung Đông, chủ yếu là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Báo cáo cũng cho biết Iran đang thử nghiệm công nghệ vũ trụ cho phép nước này phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 của Iran trong một thử nghiệm. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran bị đình trệ, như là một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo Viện dịch vụ Hoàng gia Anh. Thế nhưng, nhiều khả năng chương trình tên lửa Iran đã được nối lại, vì những điều không chắc chắn xung quanh thỏa thuận.

Trong mọi trường hợp, nhiều mục tiêu ở Saudi Arabia và Vịnh Ba Tư sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện đại của Iran, kể cả Israel. Vào tháng 5/2019, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot tới Trung Đông, khi căng thẳng với Iran leo thang.

Hệ thống Patriot được sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.

Quy mô quân đội Iran

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, quân đội Iran có quân số khoảng 523.000 người, bao gồm 350.000 lính chính quy và 150.000 thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).

Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran là lực lượng quân sự có quyền lực nhất ở Iran. Ảnh: Getty.

Hải quân Iran có quân số khoảng 20.000 người. Lực lượng này điều hành một số tàu tuần tra vũ trang ở eo biển Hormuz, nơi diễn ra nhiều vụ đối đầu liên quan đến tàu chở dầu treo cờ nước ngoài.

IRGC cũng kiểm soát đơn vị Basij, một lực lượng tình nguyện giúp ngăn chặn bất đồng chính kiến nội bộ. Đơn vị này có khả năng huy động hàng trăm nghìn nhân viên dân sự. IRGC được thành lập hơn 40 năm trước để bảo vệ hệ thống Hồi giáo và đang trở thành lực lượng chính trị, quân sự và kinh tế lớn theo đúng nghĩa của nó.

Dù có quân số ít hơn lực lượng chính quy, IRGC được xem là lực lượng quân sự có thẩm quyền nhất ở Iran.

Hoạt động ở nước ngoài

Lực lượng Quds tinh nhuệ do tướng Soleimani lãnh đạo tiến hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài cho IRGC và báo cáo trực tiếp với Lãnh tụ tối cao Khamenei. Quy mô của lực lượng Quds ước tính khoảng 5.000 người.

Đơn vị này được cho là đã triển khai tới Syria, nơi họ khuyên các thành phần quân sự trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng dân quân vũ trang Shia chiến đấu với họ.

Lực lượng Quds dưới sự chỉ huy của tướng quá cố Soleimani (người cầm bộ đàm) thiết lập mạng lưới trên khắp Trung Đông. Ảnh: Press TV.

Ở Iraq, lực lượng Quds hỗ trợ lực lượng bán quân sự do người Shia dẫn đầu, hỗ trợ đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, tình báo Mỹ cho biết lực lượng Quds có vai trò rộng lớn hơn bằng cách cung cấp kinh phí, huấn luyện, vũ khí và thiết bị cho các tổ chức mà Wahington chỉ định là khủng bố ở Trung Đông, bao gồm phong trào Hezbollah ở Lebanon và Jihad Hồi giáo ở Palestine.

Các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận đã cản trở quá trình nhập khẩu vũ khí của Iran. Giá trị nhập khẩu quốc phòng của Iran giai đoạn 2009-2018 chỉ bằng 3,5% so với nhập khẩu của Saudi Arabia cùng thời kỳ, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Vũ khí nhập khẩu của Iran chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc.

Iran có vũ khí hạt nhân không?

Iran hiện không có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và Tehran cũng từng tuyên bố không muốn có nó. Nhưng Iran có nhiều yếu tố và kiến thức để tạo ra khả năng hạt nhân quân sự. Năm 2015, chính quyền Tổng thống Barack Obama ước tính Iran chỉ cần 2-3 tháng để làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí.

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc thế giới đã đưa ra các giới hạn và kiểm tra quốc tế đối với hoạt động hạt nhân của Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Sau vụ Mỹ sát hại tướng Soleimani, Iran tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi những hạn chế trong thỏa thuận. Tuy nhiên, Tehran cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc.

Năng lực drone mạnh mẽ

Dù phải chịu sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm, Iran vẫn phát triển được chương trình máy bay không người lái với khả năng mạnh mẽ. Tại Iraq, các máy bay không người lái của Iran đã được sử dụng từ năm 2016 trong cuộc chiến chống IS.

Mãnh vỡ drone còn sót lại sau vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: Getty.

Máy bay không người lái vũ trang của Iran cất cánh từ căn cứ ở Syria từng xâm nhập không phận Israel. Năng lực phòng không của Iran cũng rất mạnh. Tháng 6/2019, Iran đã bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4 của Mỹ.

Tehran tuyên bố máy bay do thám của Mỹ đã xâm nhập không phận nước này trên eo biển Hormuz. Ở khía cạnh khác, chương trình máy bay không người lái của Iran đã sẵn sàng bán hoặc chuyển giao công nghệ cho đồng minh và lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, phóng viên của BBC cho biết.

Tháng 9/2019, cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này. Mỹ và Saudi Arabia đều cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công, như Tehran phủ nhận mọi sự liên quan.

Năng lực không gian mạng

Iran từng là nạn nhân của đợt tấn công mạng vào cơ sở hạt nhân của nước này vào năm 2010, sau đó Tehran đã tăng cường năng lực không gian mạng của mình. Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran được cho là có chỉ huy không gian mạng riêng, thực hiện các hoạt động gián điệp thương mại và quân sự thông qua Internet.

Năm 2012, các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Iran về loạt các cuộc tấn công mạng vào hệ thống ngân hàng Mỹ, phá vỡ lưu lượng truy cập vào các trang web của họ.

Một báo cáo của quân đội Mỹ vào năm 2019 cho biết tin tặc từ Iran đã nhắm vào các công ty hàng không vũ trụ, nhà thầu quốc phòng, công ty năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và viễn thông để tiến hành gián điệp không gian mạng trên toàn thế giới.

Cũng trong năm 2019, Microsoft cho biết một nhóm tin tặc có nguồn gốc từ Iran, được liên kết với chính phủ đã tấn công vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và cố gắng xâm nhập vào tài khoản các quan chức chính phủ Mỹ.

Iran trả thù, nã hơn 13 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq Không chỉ trút 13 tên lửa vào căn cứ Ain Al-Asad ở Iraq, Iran còn phóng nhiều tên lửa vào các mục tiêu khác của Mỹ. Họ tuyên bố cuộc trả thù ác liệt của Vệ binh Cách mạng bắt đầu.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/quan-doi-iran-manh-co-nao-post1034064.html