Quân đội Israel đủ mạnh để đánh bại liên minh Arab một lần nữa nếu xảy ra xung đột

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967, một mình Israel đã đánh bại liên minh quân sự Arab, giới chuyên gia nhận định với tiềm lực quân sự hiện nay, Tel Aviv có thể lặp lại lịch sử một lần nữa nếu xảy ra xung đột.

Thủ đô Jerusalem một lần nữa trở thành đề tài nóng trong bàn cờ Trung Đông. Khối liên minh Arab không chấp nhận việc Israel coi đây là thủ đô của mình. Nhiều dấu hiệu đang tăng nhiệt tại khu vực này có thể biến thành cuộc chiến mới.

Tuy vậy Israel là một trong những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất Trung Đông. Họ sẵn sàng đương đầu với một cuộc chiến toàn diện nếu điều đó xảy ra.

Trong quá khứ họ đã thắng vẻ vang liên minh Arab trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Nguồn lực hiện tại của Israel có thể cho phép họ làm lại một lịch sử như thế.

Sức mạnh của quân đội nước này nằm ở kho vũ khí hiện đại và chiến lược tác chiến đỉnh cao.

Từ khi thành lập (năm 1947) đến nay, Israel luôn nằm trong vòng vây thù địch của các quốc gia Arập và đã tiến hành hoặc buộc phải tiến hành 7 cuộc chiến tranh lớn nhỏ với các quốc gia này và đều giành phần thắng, chưa kể đến xung đột thường xuyên với người Palestine như vào thời điểm này.

Để tồn tại, mặc dù diện tích lãnh thổ không lớn (hơn 22.000 km2) và số dân không đông (hơn 8 triệu người) nhưng Israel đã xây dựng lực lượng vũ trang được coi là mạnh thứ năm trên thế giới.

Israel thực hiệc chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, kể cả đối với nữ giới. Những người đang trong độ tuổi động viên (lính dự bị) thường xuyên được tái huấn luyện tại các đơn vị mà họ đăng ký.

Trình độ huấn luyện, khả năng và kỹ năng tác chiến lẫn yếu tố tinh thần (chiến đấu) - tâm lý của binh sỹ Israel cũng được đáng giá là tốt nhất trên thế giới.

Israel là đối tác đặc biệt của Mỹ và được nước này cung cấp những loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại nhất cùng với những điều kiện ưu đãi nhất so với các nước cũng nhận viện trợ quân sự của Mỹ.

Ngoài nguồn cung từ Mỹ, Israel cũng mua một số lượng vũ khí nhất định từ các nước Phương Tây bên cạnh việc sản xuất trong nước.

Nhưng điều quan trọng nhất là nước này còn có một tổ hợp công nghiệp quốc phòng rất mạnh, sản xuất hầu như tất cả các chủng loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, vì luôn trong trạng thái phải chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh lớn nên Israel đã bố trí ở khu vực ngoại vi dọc biên giới các kho bảo quản một khối lượng lớn các loại vũ khí.

Họ cũng là quốc gia đầu tiên sau Mỹ được biên chế tiêm kích tàng hình F-35.

Biến thể F-35 của nước này được Mỹ cấp phép can thiệp sâu vào hệ thống điện tử để trang bị những công nghệ và vũ khí của nước này. Điều này giúp họ tự chủ trong nguồn cung tên lửa và bom.

Một số vũ khí của Israel được xếp hàng đầu trong bảng danh sách các vũ khí mạnh nhất như xe tăng Merkava. Hệ thống phòng thủ tầm ngắn Iron Dome, hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng Trophy, súng trường tấn công Tavor...

Các vũ khí này đến Mỹ cũng phải mua công nghệ từ họ như tên lửa phòng thủ Iron Dome hay hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng Trophy.

Israel là bậc thầy trong việc biến hóa và cải tiến các vũ khí mua của nước ngoài hay chiến lợi phẩm thu được của đối thủ.

Những vũ khí được họ nâng cấp có sức mạnh ngang ngửa với các xe tăng hiện đại, như xe tăng M-60T có sức chiến đấu ngang với T-90 đời đầu, máy bay chiến đấu F-4T thậm chí còn thắng tuyệt đối Su-27 trong tập trận không chiến.

Các vũ khí chiến lợi phẩm do Liên Xô sản xuất (thu được trong các cuộc chiến tranh với các nước A rập) đã được Israel "biến hóa" thành một chủng loại vũ khí mới như xe chiến đấu bộ binh Achzarit Mk-1 được Israel cải tiến từ xe tăng T-55.

Lục quân Israel có 3 quân khu được điều hành bởi chính bộ tư lệnh quân khu, còn bộ tư lệnh tối cao của lục quân chỉ thực hiện các chức năng hành chính.

Ba quân khu bao gồm: Quân khu Bắc, Quân khu Trung tâm và Quân khu Nam. Các binh sĩ lục quân Israel được đánh giá có tính thiện chiến hàng đầu thế giới. Ngoài sự huấn luyện khắc khe, tinh thần chiến đấu của binh sĩ Israel cũng rất cao, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia.

Binh sĩ quân đội Israel thường xuyên có các cuộc tập trận bắn đạn thật để nâng cao kỹ năng chiến đấu.

Đây là quốc gia có số lượng các cuộc tập trận bắn đạn thật nhiều nhất thế giới.

Quân đội Israel hiện có 320 xe tăng Merkava Mark IV trong biên chế, đây được coi là xe tăng mạnh nhất khu vực Trung Đông.

Trong khi số xe tăng cùng loại Merkava nhưng khác phiên bản là 1.360 chiếc. Hình ảnh chiếc xe tăng Magach, biến thể cải tiến từ xe tăng M-60 Mỹ. Nước này đang có 1550 chiếc xe tăng loại ày.

Israel cũng đang sở hữu hàng ngàn xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh. Các xe bọc thép của Israel được đánh giá là an toàn nhất thế giới.

Có được điều này là do Israel thường sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực để hoán đổi thành xe bọc thép chở quân hoặc xe chiến đấu bộ binh.

Israel hiện có tới 600 cỗ pháo tự hành M109 155mm. Đây là mẫu pháo tự hành do Mỹ thiết kế và chế tạo.

Israel cũng đang sở hữu hàng chục ngàn tên lửa chống tăng với đủ chủng loại khác nhau với sức công phá hủy diệt lớn.

Israel cũng là quốc gia có năng lực phát triển tên lửa đạn đạo. Các biến thể của tên lửa Jericho III có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và tầm bắn bao phủ không những toàn bộ khu vực Trung Đông mà còn bất kỳ mục tiêu nào trên khắp thế giới.

Tên lửa đạn đạo hạt nhân Jericho III được Israel phát triển thành công và đưa vào trang bị năm 2008. Loại tên lửa này có tầm bay lên tới 11.500km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 20kt.

Israel đã bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo từ những năm 1960 với sự hỗ trợ của Pháp, nước đã cung cấp sẵn một lò phản ứng hạt nhân Dimona cho Israel.

Nguyên mẫu tên lửa đạn đạo đầu tiên của Israel được giới thiệu là Jericho I với tầm bắn 500km, trong khi hệ thống Jericho II thử nghiệm từ 1986 đã có tầm bắn vươn đến 1.500km-3.500km. Tuy nhiên đến tên lửa Jericho III, Israel đã lột xác toàn bộ

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel rất mạnh mẽ với nhiều tầng bậc và chủng loại. Trong số này hệ thống phòng thủ tầm xa Arrow 3 còn được đánh giá trên cơ hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.

Điều khiến Arrow 3 đặc biệt là loại vũ khí này có khả năng chống được các vệ tinh quân sự.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, hệ thống tên lửa phòng không Arrow-3, được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel và tập đoàn Boeing của Mỹ, đã chính thức được bàn giao cho không quân Israel.

Sức mạnh của hệ thống đánh chặn Arrow là radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine. Đây là một loại radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA tối tân hàng đầu thế giới hiện nay.

Radar này có thể phát hiện mục tiêu cỡ quả bóng goft ở khoảng cách 500km. Bên cạnh đó, Arrow3 còn được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu Tree Citron và trung tâm kiểm soát khởi động Brown Hazelnut

Bệ phóng tên lửa đánh chặn được đặt trên khung gầm xe kéo chuyên dụng, mỗi bệ phóng được trang bị 6 tên lửa đánh chặn. Các tên lửa này có thể bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách lên tới 250 km.

Hải quân Israel còn có khoảng hơn 100 chiếc tàu chiến các loại. Trong đó có 4 tàu ngầm tối tân thuộc lớp “Dolphin” do Đức chế tạo. Đây là những tàu ngầm được Israel sửa đổi để mang theo tên lửa hạt nhân.

Hải quân Israel cũng đang vận hành các chiến hạm cực mạnh lớp Sa'ar 5. Đây là những tàu chiến có độ công thủ toàn diện.

Dù mang danh là tàu hộ tống nhưng Sa'ar 5 lại được trang bị hệ thống vũ khí và có tốc độ di chuyển ngang với các khu trục hạm.

Không quân Israel được đánh giá là lực lượng mạnh nhất Trung Đông với hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại bao gồm cả tiêm kích tàng hình F-35.

Lực lượng chủ yếu của Không quân Israel là các máy bay tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ. Có 53 F-15 (19A, 6 B , 17 C, 11 D; có 4 đến 10 A đang được niêm cất), 25 F-15I (có tính năng tương đương với F-15E tấn công của Mỹ), 278 F-16 (44 A, 10 B,77 C,48 D, 99 I ; còn 38 A, 8 B, 1 D đang được niêm cất).

Họ đang có trong biên chế 9 chiếc tiêm kích tàng hình F-35I. Ngoài ra, hiện Không quân Izrael đang niêm cất các máy bay tiêm kích cũ gồm: 109 máy bay F-4E và 8 máy bay trinh sát RF -4E của Mỹ, 60 chiếc “Kfir” của Israel (21 C1, 19 C2, 2 TC2, 01 R-C2 , 18 C7 ).

Israel cũng là lực lượng quân đội sở hữu nhiều trực thăng tấn công bao gồm 50 AH-64 “Apache" và 54 AH-1 “Cobra”. Họ đang sở hữu các trực thăng khác bao gồm: 19 OH -58B, 10 chiếc CH-53A, 39 S-70A và10 UH-60A.

Trong biên chế của Không quân Israel còn có 7 chiếc máy bay trinh sát và giám sát RC-12D, 2 máy bay tác chiến điện tử “Gulf Stream -550” (7 chiếc EC -707 và 01 chiếc RC-707 đang niêm cất), 11 máy bay tiếp dầu (4 chiếc KC -130H, 7 KC -707 ), 70 máy bay vận tải.

Hiện Không quân Israel cũng đang biên chế các máy bay cường kích do Mỹ sản xuất – 8 chiếc máy bay chống du kích AT-802 F và 26 chiếc A-4N.

Các phi công Israel được đánh giá là bậc thầy trong tác chiến đường không. Các cuộc tấn công của lực lượng này khiến cả thế giới khâm phục.

Có được điều này là do quá trình huấn luyện khắt khe, Israel lại luôn trong tình trạng chiến tranh khi phải đối phó với các lực lượng phiến quân, vì vậy đã giúp họ rèn luyện được kỹ năng thực chiến đỉnh cao của mình.

Với tiềm lực quân sự mạnh mẽ như vậy, Israel trở thành lực lượng quân sự mạnh mẽ hàng đầu khu vực Trung Đông. Họ sẵn sàng đối đầu với mọi cuộc chiến tranh nếu điều đó là bắt buộc. Mặt khác sau Israel còn có Mỹ là đồng minh thân cận đứng sau lưng, điều này giúp Israel tự tin tham chiến nếu xảy ra xung đột.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-quan-doi-israel-du-manh-de-danh-bai-lien-minh-arab-mot-lan-nua-neu-xay-ra-xung-dot/768163.antd