Quân đội Nga – Mỹ suýt đụng độ sau vụ không kích vào Syria

Sau cuộc không kích của Mỹ vào Syria năm 2018, một tàu ngầm của hải quân Mỹ đã đặt trong trạng thái sẵn sàng đánh chìm các tàu chiến Nga nếu có phản ứng đáp trả.

USS John Warner, tàu ngầm lớp Virginia của hải quân Mỹ, đã sẵn sàng đánh chìm các chiến hạm Nga, nếu như quân đội Nga có hành động phản ứng sau đợt không kích của Mỹ nhằm vào Syria hồi tháng 4/2018.

Đây là thông tin mới được Fox News hé lộ. Theo Fox News, vào thời điểm đó, tàu ngầm USS John Warner đã lặn sâu và được đặt trong trạng thái sẵn sàng phản công trước bất cứ hành động tiềm tàng nào của dàn chiến hạm Nga.

USS John Warner, tàu ngầm lớp Virginia của hải quân Mỹ. (Ảnh minh họa)

USS John Warner, tàu ngầm lớp Virginia của hải quân Mỹ. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Fox News, cuộc không kích vào Syria năm 2018 là lần đầu tiên tàu ngầm USS John Warner tham gia một sứ mệnh quân sự. USS John Warner đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng đáp trả những cuộc tấn công từ phía tàu chiến Nga nhằm vào các chiến hạm Mỹ ở trong khu vực. Đòn tấn công của Nga không loại trừ nhằm vào cả một tàu chiến Mỹ chỉ làm nhiệm vụ “chim mồi”, chứ không hề phóng bất cứ tên lửa nào vào lãnh thổ Syria.

Fox News cũng đã so sánh cuộc không kích vào Syria năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào những lực lượng được Iran hậu thuẫn hoạt động ở phía đông Syria của chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 25/2.

Cụ thể, theo Fox News, các tên lửa Tomahawk của Mỹ đã không được sử dụng trong cuộc không kích vào phía đông Syria hôm 25/2, bởi cuộc tấn công này chỉ mang tính chất cảnh báo Iran. Ngoài ra, khu vực bị quân đội Mỹ không kích không thuộc quyền kiểm soát của quân đội Syria suốt nhiều năm qua. Thêm vào đó, theo Fox News, những tay súng thiệt mạng ở phía đông Syria hôm 25/2 phần lớn không phải là công dân Syria.

Trong khi đó, vào năm 2018, ông Trump đã hạ lệnh để quân đội Mỹ không kích vào các cơ sở thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Syria. Cũng theo Fox News, hơn 50 tên lửa Tomahawk đã được phóng vào một căn cứ không quân của Syria vào tháng 4/2017.

Tới tháng 4/2018, chính quyền của Tổng thống Trump đã hạ lệnh dùng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công và phá hủy cái mà Washington gọi là các cở sở sản xuất vũ khí hóa học của chính phủ Syria.

Điều đáng nói, vị trí bị không kích hôm 25/2 cũng từng trở thành mục tiêu bị quân đội Mỹ bắn phá khi ông Trump còn làm Tổng thống. Theo đó, vào tháng 12/2019, ông Trump đã cho quân đội Mỹ triển khai các đợt không kích chống lại lực lượng phiến quân ở phía đông Syria và phía tây Iraq.

Liên quan tới cuộc không kích của Mỹ hôm 25/2, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay đòn tấn công của Mỹ nhằm vào các cơ sở nằm trên lãnh thổ Syria gần biên giới Iraq, nơi các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn đang hoạt động và đã cướp đi sinh mạng của 17 tay súng thân Tehran. Vụ không kích là đòn đáp trả sau vụ tấn công bằng rocket nhằm vào Iraq hồi đầu tháng này khiến 1 nhà thầu dân sự thiệt mạng, cùng 1 lính Mỹ và nhiều lính liên quân bị thương.

Tuy nhiên, quyết định tấn công vào các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Syria không phải là dấu hiệu, cũng như không cho thấy Mỹ có ý định tăng cường hoạt động quân sự ở Cộng hòa Hồi giáo. Thay vào đó, Mỹ muốn thể hiện cam kết luôn sẵn sàng bảo vệ binh sĩ nước này hoạt động ở Iraq.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/quan-doi-nga-my-suyt-dung-do-sau-vu-khong-kich-vao-syria-278066.html