Quân đội Sudan dàn xếp đảo chính, Tổng thống đã từ chức

Biểu tình kéo dài vì giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế, quân đội Sudan gây sức ép giành chính quyền.

Ngày 11/4, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã từ chức sau khi quân đội nước này bao vây, gây sức ép.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir

Báo Al Hadath trụ sở tại Liban xác nhận ông al-Bashir đã chấp nhận từ chức.

Các phương tiện truyền thông Sudan cho biết, Quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir sau khi bao vây phủ Tổng thống.

Trong một tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia, quân đội Sudan tuyên bố phế truất Tổng thống al-Bashir khỏi tất cả các chức vụ và sa thải toàn bộ nội các.

Động thái của quân đội Sudan được tuyên bố là tiến hành theo nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân trong các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.

Hàng nghìn người đã tập trung ở bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng Sudan tại Thủ đô Khartoum.

Biểu tình yêu cầu Tổng thống Sudan từ chức với số lượng lớn chưa từng có

Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibnouf khẳng định, các lực lượng vũ trang Sudan sẽ không để đất nước “rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Ông Ibnouf nói rằng, các lực lượng vũ trang Sudan hiểu rõ nguyên nhân của các cuộc biểu tình và không phản đối những yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, song sẽ không cho phép để đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Các cuộc biểu tình tại Sudan xảy ra kể từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mì, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến các điều kiện sống của người dân thêm cùng cực.

Quân đội bao vây Dinh Tổng thống Sudan. Ảnh: Reuters

Theo The Nation của UAE, các phương tiện bọc thép đã phong tỏa khu vực Dinh Tổng thống ở Khartoum, nội bất xuất ngoại bất nhập. Hiện sân bay Khartoum đã tạm ngừng hoạt động và đóng cửa không phận, hãng tin Al-Arabiya (Ả Rập Saudi) cho biết. Binh lính Sudan được triển khai dọc các trục đường chính và cầu lớn.

Trong khi đó, hãng thông tấn BRQ Sudan đưa tin nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt giữ, trong đó có Phó Tổng thống thứ hai Ali Osman Taha, Chủ tịch Đảng Quốc hội Quốc gia cầm quyền Ahmed Haroun, Thống đốc bang Khartoum Abdul Rahim Hussein. Ông Hussein là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sudan (tại nhiệm từ 2005-2015).

Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir và lực lượng quân đội Sudan tại Khartoum. Ảnh: Ebrahim Hamid/Anadolu Agency

Căng thẳng ở Sudan đã khiến Mỹ, Anh, Na Uy lên tiếng. Họ kêu gọi chính quyền Sudan chuyển giao quyền lực.

Theo kênh truyền hình Al Mayadeen của Liban, một nhóm sĩ quan quân đội Sudan đã tuyên bố rằng quân đội có kế hoạch thông báo việc thành lập một hội đồng quân sự có nhiệm vụ điều hành đất nước trong thời gian chuyển giao quyền lực dự kiến kéo dài tới 1 năm.

The Guardian miêu tả, sau khi có thông tin quân đội bao vây Thủ Tổng thống ép buộc ông Omar al-Bashir từ chức, hàng chục ngàn người Sudan đã diễu hành ở Thủ đô Khartoum, ăn mừng, nhảy múa và hô vang khẩu hiệu chống ông Bashir.

Quân đội từng chia rẽ về việc bảo vệ người biểu tình hoặc ủng hộ Tổng thống

Zach Vertin, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Brookings cho rằng một nhóm biểu tình chống chính phủ không phải là điều lạ nhưng lần này, một xã hội rộng lớn hơn, bao gồm cả các tầng lớp chuyên nghiệp tham gia biểu tình thì đó là có sự can thiệp từ nước ngoài.

Một yếu tố mới trong cuộc biểu tình lần này là sự phân chia rõ ràng trong lực lượng an ninh. Một số thành phần trong quân đội dường như đứng về phía những người biểu tình chống lại dân quân vũ trang trung thành với Bashir và các cơ quan tình báo. Đây là điều chưa từng có, chuyên gia Vertin nói.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/quan-doi-sudan-dan-xep-dao-chinh-tong-thong-da-tu-chuc-3378043/