Quân đội tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Sáng 3-6, tại Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức Hội thảo khoa học 'Quân đội bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo Việt Nam'. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT chủ trì hội thảo.

Những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường biển

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Biển, đảo Việt Nam không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu (BĐKH) và hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, hải đảo. Những năm qua, toàn quân đã chủ động nắm vững và dự báo đúng tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xử lý kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống trên biển, hải đảo, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới (5-6), TCCT tổ chức Hội thảo khoa học “Quân đội bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với BĐKH và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo Việt Nam”, nhằm thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; BĐKH, sự cố môi trường biển và những tác động đến phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh; làm rõ quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và thực hiện hiệu quả việc bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH và sự cố môi trường biển…

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan sáng kiến trưng bày tại hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan sáng kiến trưng bày tại hội thảo.

Bảo vệ môi trường biển trở thành một nhiệm vụ bức thiết. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham gia hội thảo. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) cho rằng: Môi trường biển đang bị ô nhiễm bắt nguồn từ hàng loạt nguyên nhân, như: Hoạt động liên quan đến đáy biển, khai thác tài nguyên, khoáng sản, do chất thải đổ ra biển và ô nhiễm do hoạt động của các loại tàu, thuyền… Những nguyên nhân này tiếp tục gia tăng gây ô nhiễm môi trường biển, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống con người.

Đây cũng là những chia sẻ của Thạc sĩ Trần Phong (Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Quản lý môi trường biển phải quản lý cho được các dòng sông. Cần quản lý chặt chẽ việc xả thải và chất lượng nguồn nước của hàng nghìn con sông chảy ra biển, nếu không sẽ rất khó cải tạo môi trường biển. Thạc sĩ Trần Phong đã đưa ra nhiều hình ảnh, tư liệu về tác hại của ô nhiễm môi trường và nhấn mạnh, phải nhìn tổng thể để có những giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường (BVMT) biển Việt Nam.

Đối với LLVT, môi trường biển, BĐKH đã và đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống cũng như hoạt động của bộ đội làm nhiệm vụ trên biển và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ thực tiễn công tác, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, chia sẻ: Ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất chính là sự gia tăng nhiệt độ, làm giảm độ bền, gây giãn nở các chi tiết, mài mòn nhanh hơn, giảm độ chính xác của các thiết bị điện tử; tăng chi phí bảo quản, bảo dưỡng; gây khó khăn trong nhận định các tình huống khắc phục sự cố môi trường… BĐKH gây thời tiết bất thường, tác động tiêu cực đến hoạt động của các đơn vị, tàu, thuyền và nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…

Khẳng định vai trò của quân đội trong bảo vệ môi trường biển

Việc tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường biển và sự cố trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đóng quân trên đảo, nhà giàn DK1, khu vực ven biển. Theo Đại tá, TS Thân Thành Công, Phó cục trưởng Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng): Quân ủy Trung ương đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị liên quan trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo Việt Nam; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, chủ động ứng phó với BĐKH. Thời gian qua, Viện Nhiệt đới môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường biển, như: Đê mềm bằng ống địa kỹ thuật; chế tạo tấm tái sinh không khí KK-64 cho tàu ngầm kilo 636; công nghệ nhiệt đới hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật… Những sáng kiến khoa học này góp phần trực tiếp bảo vệ môi trường khi bộ đội hoạt động trên biển.

Ngoài ra, lượng rác thải được các đơn vị quân đội thu gom, xử lý trong những chiến dịch BVMT biển đã lên tới hàng chục nghìn tấn; làm sạch hàng nghìn ki-lô-mét bờ biển…

Nhìn nhận vai trò của quân đội tham gia BVMT, khắc phục sự cố trên biển, bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhấn mạnh: "Quân đội là lực lượng nòng cốt ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa môi trường, cứu hộ, cứu nạn. Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã góp phần không nhỏ giữ gìn môi trường biển, hải đảo Việt Nam, giảm nguy cơ ô nhiễm. Chúng tôi mong muốn các đơn vị quân đội tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để quản lý, bảo vệ và xử lý tốt các tình huống, sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển trong thời gian tới".

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bước vào mùa mưa 2019, chúng tôi có dịp đến Vùng 2 Hải quân đúng thời điểm đơn vị tổ chức buổi tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về Luật Biển Việt Nam và những vấn đề liên quan đến BVMT biển. Sau khi giới thiệu nội dung, cán bộ đơn vị trực tiếp kiểm tra nhận thức của bộ đội và nêu biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong thời gian hoạt động trên biển. Đây cũng là nội dung chia sẻ kinh nghiệm được Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân nêu lên tại hội thảo: "Chúng tôi tổ chức các buổi tập huấn về BVMT, giáo dục bộ đội không sử dụng nilon, không xả rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy xuống biển và kiểm tra nhận thức cán bộ, chiến sĩ thông qua hành động, việc làm cụ thể; đồng thời phát động thi đua giữa các nhà giàn. Trên đất liền, chúng tôi tuyên truyền cho bộ đội ý thức BVMT bằng cách phối hợp với địa phương thu gom rác thải, làm sạch bờ biển, trồng cây, trồng rừng"…

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Ý kiến này nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu. Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cung cấp thêm thông tin về công tác tuyên truyền: Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, thông tin về BĐKH và tác động của nó đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức cho bộ đội tham gia giúp nhân dân đắp bờ đê, bờ kè chắn sóng, ngăn triều cường; phối hợp với địa phương tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt hải sản an toàn kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển…

Nhiều việc làm rất đơn giản của bộ đội nhưng có ý nghĩa lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và ứng phó với BĐKH, như: Trồng rau xanh ở nhà giàn DK1; trồng cây cảnh trên tàu quân sự; xanh hóa các đảo, điểm đảo; củng cố cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp; không xả rác trực tiếp xuống biển… Những việc làm này được nhiều đại biểu ghi nhận, hoan nghênh.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Gần 40 tham luận gửi về ban tổ chức là kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm cao của các đại biểu, các tướng lĩnh, nhà khoa học, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với BĐKH và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo Việt Nam. Nhiều tham luận tập trung phân tích, nêu bật yêu cầu khách quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ này trong toàn quân. Dù được đề cập dưới các góc độ khác nhau, nhưng các tham luận đều khẳng định đây là nhiệm vụ có vị trí, vai trò quan trọng trong hiện tại và tương lai. Những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống về môi trường biển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-doi-tich-cuc-tham-gia-bao-ve-tai-nguyen-moi-truong-bien-575760