Quan hệ ASEAN - Mỹ đang mở ra 'kỷ nguyên mới'

Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington đã đánh dấu sự khởi đầu của 'kỷ nguyên mới' trong quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Ảnh: Reuters

"Một phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta trong vòng 50 năm tới sẽ được viết ra tại các quốc gia ASEAN, và mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn chính là tương lai trong những năm tới và nhiều thập kỷ tới", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong ngày thứ hai của cuộc họp.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ năm nay đánh dấu việc lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN tề tựu tại Washington và cũng là hội nghị đầu tiên do Mỹ chủ trì kể từ năm 2016.

Quang cảnh cuộc họp giữa lãnh đạo Mỹ và các nước ASEAN. Ảnh: Reuters

Đây cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021. Chính quyền ông Biden hy vọng nỗ lực nói trên sẽ chứng tỏ rằng Washington vẫn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Chúng ta không chỉ kỷ niệm 45 năm đối tác và hữu nghị Mỹ - ASEAN, mà còn khởi động 'kỷ nguyên mới' cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN. Các cuộc thảo luận đã bao trùm một loạt vấn đề quan trọng, bao gồm việc hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống Covid-19 và hành động vì khí hậu", Tổng thống Biden khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp. Ảnh: Reuters

Trước đó, các lãnh đạo ASEAN cũng đã có cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Trong cuộc gặp này, bà Harris khẳng định Washington sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ trật tự hàng hải dựa theo luật lệ, bao gồm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

Bà Harris cho biết Mỹ đánh giá rất cao Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ đang diễn ra, và thông tin rằng một trong những vấn đề thảo luận chính của cuộc gặp giữa bà với các lãnh đạo ASEAN là an ninh hàng hải.

Bà Harris nhấn mạnh Đông Nam Á vẫn là một trong những ưu tiên của Mỹ. Lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra đến khu vực để huấn luyện và đối phó hoạt động đánh bắt cá trái phép. Phó Tổng thống Harris nhận định, Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế hệ tiếp theo. Bà Harris cho biết Washington sẽ dành thêm 60 triệu USD cho các sáng kiến đảm bảo an ninh hàng hải tại Đông Nam Á.

Đồng thời, Mỹ sẽ tiếp tục cùng ASEAN đối phó mối đe dọa từ Covid-19 và tài trợ hơn 115 triệu liều vaccine cho khu vực này. “Khi Covid-19 hiện diện ở bất kỳ quốc gia nào, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta", bà nói.

Bà Harris cũng cho rằng, Mỹ và ASEAN cần thể hiện tham vọng chung về vấn đề khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng một cách bền vững.

Trước đó một ngày, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố gói hỗ trợ 150 triệu USD cho các sáng kiến mới tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm hợp tác an ninh hàng hải và năng lượng sạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang trong chuyến công du Mỹ bắt đầu từ ngày 11-17/5, để tham gia Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ, cũng như làm việc với các lãnh đạo Mỹ và Liên Hợp Quốc. Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Mỹ kể từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ không chỉ đánh dấu 45 năm quan hệ đối tác và hữu nghị ASEAN - Mỹ mà còn khẳng định ASEAN mong muốn giữ vai trò trung tâm, đóng góp xây dựng đường hướng mới cho các khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì, tạo môi trường cân bằng, hài hòa ở khu vực.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ lần này cũng là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ khối kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quan-he-asean-my-dang-mo-ra-ky-nguyen-moi-post6318.html