Quan hệ căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Tuần qua, Washington bất ngờ gây sức ép kinh tế nặng nề đối với đồng minh Ankara - một thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bằng việc tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm và thép có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rcep Tayyip Erdogan đã lên án hành động này của Washington là “đâm dao sau lưng đồng minh” và tuyên bố sẵn sàng lao vào cuộc đọ sức ngoại giao cũng như kinh tế với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ xấu nhất trong nhiều thập kỷ

Quan hệ Mỹ-Thổ thời gian qua không mấy êm đẹp, nay bùng lên căng thẳng và đang ở mức xấu nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Erdogan cảnh báo, hành động của Washington có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đi tìm “những người bạn mới và những đồng minh mới.” Như "đổ thêm dầu vào lửa", ông Erdogan kêu gọi một “cuộc chiến toàn quốc” chống lại cuộc “chiến tranh kinh tế” do Tổng thống Trump phát động.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Liberation số ra mới đây, chuyên gia nghiên cứu chính trị Bayram Balci, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Pháp Ceri của trường Khoa học Chính trị đã phân tích căn nguyên khiến quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khủng hoảng và chiến thuật của Tổng thống Mỹ sẽ đẩy Ankara tới đâu.

Theo chuyên gia nghiên cứu này, về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với vô số nguyên nhân. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng từ nhiều ngày qua do căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng. Leo thang căng thẳng mới nhất liên quan đến số phận của mục sư người Mỹ Andrew Brunson, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ.

Tuy nhiên, vụ việc này cũng chỉ là một nhân tố bổ sung mà thôi. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng xuống cấp từ nhiều năm qua, cụ thể là từ giữa cuộc xung đột Syria, trong đó quan điểm về lợi ích của hai bên bắt đầu mâu thuẫn nhau. Những vấn đề bất hòa tích tụ dần.

Trước hết là việc Washington ủng hộ lực lượng người Kurdistan (PYD), một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, lâu nay vẫn bị chính quyền Ankara quy kết là tổ chức khủng bố. Dù vậy, Mỹ lại coi đây là lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tiếp đến là vụ Giáo sĩ Hồi giáo Fethulla Gulen tị nạn tại Mỹ nhưng bị ông Erdogan cáo buộc là người cầm đầu vụ đảo chính hụt ngày 15-7-2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã uổng công vô ích trong việc cung cấp cho Mỹ những bằng chứng về sự dính líu của nhân vật này trong vụ đảo chính nói trên.

Tổng thống Trump (trái) và Tổng thống Erdogan đang khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng.

Lý do căng thẳng vẫn leo thang

Theo chuyên gia nghiên cứu Balci, vấn đề Iran đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Trump hủy thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời muốn gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trừng phạt Teheran. Thế nhưng, trao đổi thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai nước này. Ankara muốn tiếp tục mua khí đốt của Iran và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cùng vải sợi sang Iran.

Vậy phải chăng tính cách của Tổng thống Trump và người đồng cấp Erdogan đã góp phần khiến cho quan hệ hai nước trở nên xấu hơn? Chuyên gia Balci cho rằng Tổng thống Mỹ đã sử dụng mọi phương tiện để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông chủ Nhà Trắng đã ký quyết định ngừng cung cấp chiến đấu cơ máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cố gắng ngăn cản Ankara mua tên lửa S-400 của Nga.

Nhân lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng bấp bênh, hôm 10-8 vừa qua, Tổng thống Trump đã quyết định tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu về kinh tế thì sẽ trở nên "ngoan ngoãn" hơn về mặt chính trị, thậm chí sẽ phải chấp nhận mọi đòi hỏi của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Erdogan không phải là người dễ khuất phục. Trái lại, nhà lãnh đạo này còn đẩy căng thẳng lên cao thông qua việc cáo buộc Mỹ gây chiến tranh kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu, nhưng không hoàn toàn khánh kiệt. Ankara dọa xích lại gần hơn với Nga và Iran. Điều đó có nghĩa là áp lực mà Tổng thống Trump gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ đã phản tác dụng. Lẽ ra phải làm cho Thổ Nhĩ Kỳ gần hơn với phương Tây, nhưng những áp lực của Mỹ lại đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tới gần trục Moskva-Ankara-Teheran.

Theo chuyên gia nghiên cứu Balci, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ có tâm lý chống Mỹ rất rộng rãi nên dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi huy động dân tộc. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trở nên trầm trọng, người dân bị mất phương hướng, họ dễ tin vào những giải thích cho rằng đó là những mưu đồ chống lại đất nước họ. Hơn nữa, đại đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng ông Erdogan.

Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang có dấu hiệu xuống thang ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm 16-8 tuyên bố nước này sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara không chịu trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngay trong ngày 16-8 đã nói rằng Ankara không muốn gặp rắc rối với Mỹ, đồng thời khẳng định hai nước có thể dễ dàng vượt qua những khác biệt hiện tại, nhưng không phải bằng cách tiếp cận của Mỹ. Phát biểu tại một buổi họp báo, ông Cavusoglu nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề với Mỹ một cách dễ dàng, nhưng không phải với cách tiếp cận hiện tại."

Như vậy, có thể thấy, những biện pháp cứng rắn của Mỹ đến thời điểm này dường như đang khiến giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nao núng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu như Mỹ tiếp tục dồn Thổ Nhĩ Kỳ vào bước đường cùng, rất có thể Ankara sẽ ngày càng rời xa phương Tây hơn…

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quan-he-cang-thang-my-tho-nhi-ky-120713.html