Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức

Tại Hà Nội Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo 'Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương'. Tham dự có các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các quốc gia EU và ASEAN.

 Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: Từ một thập kỷ qua, các hiệp định hợp tác và đối tác kinh tế và thương mại song phương và đa phương liên tiếp được ký kết giữa các cường quốc kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nằm trong khu vực địa lý quan trọng của nền kinh tế thế giới, ASEAN và các quốc gia thành viên được coi là những đối tác quan trọng của mọi cường quốc kinh tế trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Liên minh Châu Âu EU tham gia thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia ASEAN với những thách thức về địa kinh tế và địa pháp lý có liên quan.

Các tham luận tại Hội thảo hướng về các quan hệ đối tác song phương và đa phương… Thách thức kinh tế- thương mại theo nghĩa hẹp: EU tìm cách duy trì sự tiếp cận của các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường các quốc gia ASEAN. Điều này liên quan cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, mua sắm chính phủ lẫn lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những tiêu chuẩn mới trong Hiệp định thương mại tự do EU-VN (EVFTA), ảnh hưởng của các tiêu chuẩn này đến các hiệp định trong tương lai; triển vọng hợp tác giữa EU và Việt Nam và khía cạnh địa kinh tế, địa pháp lý, địa chính trị giữa quan hệ đối tác EU-ASEAN và các đối tác khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP, tác động tới tương lai của sự hội nhập khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam và quan hệ EU-ASEAN, đều được đưa ra phân tích.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham gia của đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp của Việt Nam. Một số đại diện của khu vực tư nhân (tập đoàn Michelin, công ty luật Audier&partners), trong đó có việc hỗ trợ thiết lập mạng lưới nghiên cứu về “Quan hệ đối tác mới năng động của EU tại Châu Á-Thái Bình Dương” (NODYPEX)

Được đánh giá tạo nền móng cho mạng lưới nghiên cứu mới (NODYPEX) với mục đích đối chiếu quan hệ đối tác EU-ASEAN với các ý tưởng hợp tác thực hiện bởi ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ…trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mạng lưới nghiên cứu này sẽ gồm các trụ cột là trường Đại học Rennes 2 và trung tâm nghiên cứu IODE, CEJM Rennes tại Châu Âu; Đại học Quebec tại Montreal (UQAM) tại Bắc Mỹ và trường Đại học Ngoại Thương tại khu vực ASEAN, cùng các trung tâm nghiên cứu và trường đại học khác tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Thông qua các đối tác của mình, trường ĐH Ngoại Thương là đầu mối để mở rộng mạng lưới nghiên cứu này đến các đối tác trong khu vực.

ND

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quan-he-doi-tac-euasean-va-nhung-thach-thuc-3901952-v.html