Quan hệ Đức - Thổ có thể được giải cứu?

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của Quốc hội Đức hôm 5-9, Thủ tướng Angela Merkel lại tấn công vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố mong muốn “xem xét lại” quan hệ với Ankara. 

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của Quốc hội Đức hôm 5-9, Thủ tướng Angela Merkel lại tấn công vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố mong muốn “xem xét lại” quan hệ với Ankara.

Những tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi bà Merkel gia nhập “dàn hợp xướng đang lên” của các chính khách Đức kêu gọi chấm dứt đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Merkel đã cảnh báo Ankara đang nhanh chóng rời xa quy định của luật pháp và nhấn mạnh, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm suy yếu vị thế đáng kể của EU.

Do đó, bà Merkel nhấn mạnh sự cần thiết phải có lập trường thống nhất và vững chắc ở Brussels đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lưu ý rằng, bà đã đảm bảo sẽ không có cuộc đàm phán về liên minh thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ và EU trong thời gian Estonia giữ ghế chủ tịch trong Hội đồng EU (Cơ quan có quyết định quyền lực nhất của khối).

Những tuyên bố mới nhất của “bà đầm thép” được xem như là mối đe dọa nghiêm trọng cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là “tập mới nhất” trong cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai nước, vốn bắt nguồn từ một cuộc đảo chính quân sự bất thành chống lại chính phủ của ông Erdogan hồi tháng 7-2016 và leo thang từ đó đến nay.

Ankara bác bỏ những chỉ trích của Berlin rằng, họ đã quá mạnh tay với các đối thủ chính trị để đối phó với cuộc đảo chính và phẫn nộ trước việc Berlin đã cho phép các thành phần chống đối Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn. Hai nước cũng trở nên lúng túng trong kế hoạch tổ chức các cuộc vận động tranh cử ở Châu Âu của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Hy vọng giành được sự ủng hộ của cộng đồng người di cư Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc trưng cầu hiến pháp gây tranh cãi, vốn cuối cùng được thông qua vào tháng 4-2017, ông Erdogan và các thành viên đảng AKP đã mạnh mẽ chống lại những phản đối gay gắt ở một số nước Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã       có những biện pháp trả đũa nhằm vào Đức.

Những diễn biến trên rõ ràng cho thấy, hy vọng giải cứu mối quan hệ Thổ - Đức hiện nay là rất khó. Nhưng tất nhiên là không phải là không thể. Vấn đề có lẽ nằm trong niềm tin giữa hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị cô lập kinh tế, trong khi các quan chức Đức quan tâm đến việc bảo vệ ổn định xã hội trong nước trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố vây quanh.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_171764_quan-he-duc-tho-co-the-duoc-giai-cuu-.aspx