Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện

Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vượt lên mọi chông gai thử thách, mối quan hệ đó đã trở thành mẫu mực, thủy chung trong sáng hiếm có, trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc, là nhân tố quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của cách mạng mỗi nước.

Kỷ niệm 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977 - 18-7-2022)

Diện mạo thị xã Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, Lào) ngày càng đổi mới.

Tài sản vô giá của cả hai dân tộc

Sau ngày hai nước được giải phóng hoàn toàn, cùng bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Việt Nam và Lào chuyển sang mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 18-7-1977, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đã kế thừa, phát huy truyền thống liên minh chiến đấu, tinh thần quốc tế trong sáng, tình đồng chí anh em đặc biệt và sự nâng cấp đưa quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên một tầm cao và bước tiến mới, phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc.

Suốt 45 năm qua, bản Hiệp ước đã trở thành cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để hai nước không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, trở thành nền tảng vững chắc cho việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2022, dưới sự chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, MTTQ, các đoàn thể chính trị, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã chủ động phối hợp và tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định, kế hoạch, chương trình hợp tác giữa hai bên và đạt được những kết quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước. Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của hai Đảng, hai nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu. Điển hình là trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dù bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng và bầu cử ĐBQH ở mỗi nước trong năm 2021. Đặc biệt, đã duy trì các chuyến thăm, các cuộc điện đàm và tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt, nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xi-xu-lít (tháng 6-2021); Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản thăm chính thức Việt Nam (tháng 12-2021); Thủ tướng Chính phủ Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn thăm chính thức Việt Nam và khai mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào (tháng 1-2022).

Song song với đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào (tháng 8-2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Lào (tháng 5-2022), đã tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước. Đồng thời, thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của cả hai nước là đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Hai bên cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, trong đó có các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào. Hai nước đã phối hợp với Campuchia tổ chức thành công cuộc gặp giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng Việt Nam – Lào – Campuchia (tháng 9-2021). Đây là cuộc gặp lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ ba Đảng, ba nước kể từ năm 1990 đến nay.

Mối quan hệ toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu

Trên cơ sở của mối quan hệ chính trị ngày càng bền chặt, hai nước đã mở rộng mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu. Điển hình như: Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định, phát triển toàn diện; tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ nhất; khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng lãnh thổ của nước này để chống nước kia; tăng cường tổ chức tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu; trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng lực lượng quân đội hai nước; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; ngăn chặn và xử lý khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, buôn lậu, vận chuyển ma túy và những vấn đề tiêu cực khác nảy sinh tại khu vực biên giới hai nước. Hai bên cũng tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của các cụm, bản; phối hợp, tu bổ các tượng đài biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tại Lào; phối hợp tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Cùng với đó, hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hai lần hỗ trợ Đảng, Nhà nước Lào ứng phó với dịch COVID-19 số tiền mặt 2,65 triệu USD cùng trang thiết bị y tế trị giá hơn 2 triệu USD; tặng bạn Lào 1 triệu liều vắc-xin; cử các đoàn chuyên gia y tế và quân y sang hỗ trợ Lào chống dịch. Song song với đó, Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp của Lào đã hỗ trợ Việt Nam 1,7 triệu USD (trong đó doanh nghiệp là 1,4 triệu USD). Ngoài ra, hai bên phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân hai nước, lưu học sinh xuất nhập cảnh, cách ly, sinh sống và học tập bình thường.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học - kỹ thuật đã có chuyển biến tích cực. Việt Nam và Lào tích cực triển khai các hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ. Tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước... Kết quả, về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Một số dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã có doanh thu, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan Nhà nước Lào và tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Lào. Từ năm 2017 đến năm 2021, hai bên tích cực triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ, trong đó có dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Đặc biệt, hai bên hoàn thành dự án công trình Nhà Quốc hội mới của Lào, đây là món quà của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Một góc thị xã Sầm Nưa (tỉnh Hủa phăn, Lào).

Hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại, như Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào, Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào... Đồng thời chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen-xạ-vẳn, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng khoảng 33,3% so với năm 2020). Giai đoạn 2021-2025, hai nước phấn đấu tăng kim ngạch thương mại mỗi năm tăng 10%...

Bên cạnh hợp tác về kinh tế, hai nước cũng đặc biệt chú trọng mối quan hệ hợp tác về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra sự thay đổi tích cực đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực của Lào. Trong đó, điểm nhấn là việc triển khai xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý, tiếp nhận, đào tạo du học sinh Lào, điều chỉnh các chế độ học phí, sinh hoạt phí, tạo điều kiện cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về số lượng và chất lượng. Hai bên phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các cơ sở đào tạo và các cơ quan của Lào; hoàn thành biên soạn và bàn giao chương trình tiếng Việt (thực hiện thí điểm) từ lớp 1 đến lớp 12 để giảng dạy tại các trường trung học có nhu cầu và có đủ điều kiện tại Lào; biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt cho học sinh Lào; thí điểm dạy song ngữ Việt - Lào trong Trường song ngữ Nguyễn Du, xây dựng từ điển Việt - Lào.

Cùng với đó, hai bên cũng thúc đẩy triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức công tác dạy và học của học sinh, sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ tại Lào. Cuối năm 2020, hai bên đã ký kết Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021–2030, theo đó mỗi năm Việt Nam dành cho Lào hơn 1.000 suất học bổng đào tạo, bồi dưỡng và Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng. Ngoài ra, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề của Lào. Triển khai hợp tác hiệu quả trong tập huấn tay nghề cho các thí sinh Lào tham dự Hội thi tay nghề ASEAN hằng năm...

Có thể khẳng định, 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào là khoảng thời gian nhiều thử thách, song cũng là một “phép thử” về sự bền chặt của mối quan hệ giữa hai nước. Những thành quả đạt được từ hiệp ước là tiền đề vững chắc để hai nước tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ toàn diện lên tầm cao mới. Qua đó, tiếp tục khẳng định tính chất đặc biệt của mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Lào là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cả hai nước.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/quan-he-huu-nghi-vi-dai-doan-ket-dac-biet-hop-tac-toan-dien/163454.htm