Quan hệ Israel - Australia xấu đi vì vụ lạm dục tình dục không hồi kết

Vụ án lạm dụng tình dục kéo dài 5 năm trời mà không có dấu hiệu chấm dứt đã phủ bóng đen lên quan hệ hai nước Israel – Australia.

Nicole Meyer nhiều năm chịu đựng việc bị lạm dụng tình dục bởi hiệu trưởng trường cô. Cô phải giương mắt nhìn kẻ lạm dụng bỏ trốn khỏi nơi cư trú ở Australia để sang Israel, trốn tránh trách nhiệm pháp lý trong nhiều năm và đang mắc kẹt trong quá trình dẫn độ kéo dài mà những người chỉ trích coi đó là trò hề.

Theo AP, câu chuyện pháp lý dài dòng của nghi phạm lạm dụng tình dục Malka Leifer không chỉ làm Meyer tuyệt vọng mà còn là hàn thử biểu của mối quan hệ giữa Israel và Australia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tel Aviv. Vụ án của Malka Leifer vẫn còn lâu mới được giải quyết và ngay cả cộng đồng Do Thái thân Israel ở Australia cũng mất kiên nhẫn.

74 cáo buộc tấn công tình dục

“Hết lần này đến lần khác, quá trình (dẫn độ Leifer) vẫn không tiến triển mà ngày càng khó khăn hơn”, nạn nhân Meyer, 34 tuổi, đến từ ở Melbourne, Australia, nói. “Israel có trách nhiệm phải làm điều đúng đắn”.

Meyer và hai chị gái của cô cáo buộc Leifer đã lạm dụng họ khi họ còn là học sinh trường Do Thái giáo chính thống ở Melbourne và cho biết còn có những nạn nhân khác nữa.

Năm 2008, khi các cáo buộc bắt đầu nổi lên, Leifer người gốc Israel, hiệu trưởng kiêm giáo viên đáng tin cậy trong cộng đồng Do Thái, bất ngờ rời vị trí và trốn về Israel, nơi bà sinh sống trước đây.

Trong số các nạn nhân bị Leifer tấn công tình dục, chỉ Meyer cho phép AP công bố danh tính.

 Malka Leifer bị đưa đến phòng xử án ở Jerusalem ngày 27/2/2018. Ảnh: AP.

Malka Leifer bị đưa đến phòng xử án ở Jerusalem ngày 27/2/2018. Ảnh: AP.

Tại Australia, Leifer hiện đối mặt với 74 cáo buộc tấn công tình dục do 3 chị em nhà Meyer chuyển đến từ các nạn nhân và của chính họ.

Thẩm phán trong vụ kiện dân sự chống lại Leifer, 53 tuổi, và trường Adass Israel nơi bà giảng dạy, đã trao cho các chị em nhà Meyer hơn 700.000 USD tiền bồi thường. Họ đã hòa giải ngoài tòa án.

Nhưng ở Israel, công lý đến chậm hơn. Các nhà phê bình nói rằng các thủ tục tố tụng bị ảnh hưởng một cách cố ý.

Giả tâm thần để không hầu tòa

Bóng đen của vụ án đã chia rẽ Israel với Australia, quốc gia mà nhà nước Do Thái cần đến những ủng hộ ngoại giao trước những quan điểm chống Israel trong các tổ chức quốc tế. Vụ án Leifer liên tục xuất hiện trong các cuộc trao đổi của lãnh đạo hai nước.

“Tôi không nghi ngờ tính độc lập và tính liêm chính của hệ thống pháp luật Israel, tôi cũng không nghi ngờ về cam kết của Bộ Tư pháp Israel trong việc theo đuổi vụ án này. Nhưng thế là quá đủ rồi. Vụ án này đã diễn ra quá lâu”, ông Dave Sharma, thành viên đảng Tự do thuộc Quốc hội Australia, cựu Công sứ Australia tại Israel, nói trước Quốc hội Australia vào tháng 10.

Leifer đối mặt 74 cáo buộc tấn công tình dục và yêu cầu dẫn độ bà ta đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Ảnh: AP.

Sau khi Australia nộp đơn yêu cầu dẫn độ, Leifer đã bị quản thúc tại gia vào năm 2014 và bắt đầu bước vào quá trình dẫn độ kết thúc vào năm 2016, vì một bản đánh giá sức khỏe tâm thần của bà đã xác định bà không đủ khả năng xuất hiện tại tòa.

Leifer một lần nữa bị bắt vào đầu năm 2018 sau khi bị phát hiện có đời sống sinh hoạt bình thường, trái ngược với bản đánh giá sức khỏe tâm thần. Tòa án đã yêu cầu đánh giá lại tình trạng sức khỏe của Leifer khiến bà bị giam giữ ở Israel.

Kể từ lần đầu bị bắt, phiên tòa xét xử vụ án của Leifer đã diễn ra hàng chục lần. Trong phiên xử cuối cùng trong tháng 12/2019, một hội đồng bác sĩ tâm thần thẩm định trạng thái tinh thần của Leifer đã kết luận rằng họ cần thêm thời gian.

Có yếu tố chính trị

Phiên xét xử mới dự kiến diễn ra vào ngày 14/1. Nhưng phiên tòa xét xử việc dẫn độ Leifer vẫn chưa bắt đầu và không ai rõ khi nào bà phải đối mặt với công lý ở Australia.

“Rất khó diễn tả bằng lời cách vụ việc này tiến triển. Quả thực là không nói nên lời”, Manny Waks, luật sư bào chữa cho các nạn nhân, người theo dõi sát sao vụ việc, cho biết. “Đây là quá trình thiếu chuyên nghiệp và năng lực”.

Cảnh sát Israel đề nghị buộc tội gian lận đối với Yaacov Litzman, Thứ trưởng Y tế Israel, vì nghi ngờ ông này đã gây áp lực buộc các nhân viên của bộ đánh giá sai tình trạng sức khỏe của Leifer. Cả Bộ Tư pháp và lẫn Bộ Ngoại giao Israel đều từ chối bình luận về vụ án của Leifer.

Các luật sư của Leifer, Tal Gabay và Yehuda Fried, cảnh báo rằng chính trị có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến trình pháp lý và kêu gọi những người liên quan “hành động có trách nhiệm để hệ thống tư pháp Israel được thực hiện công việc của mình mà không bị gây áp lực”.

Năm 2008, Malka Leifer, hiệu trưởng kiêm giáo viên đáng tin cậy trong cộng đồng Do Thái, bất ngờ rời vị trí và trở về Israel. Ảnh: Reuters.

Trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Israel tới Australia năm 2017, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết “Israel không có người bạn nào tốt hơn Australia” và nói rằng cộng đồng Do Thái thân Israel là nhóm “trung thành đặc biệt” với nhà nước Do Thái.

Nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ đó đã bắt đầu rạn nứt sau quá trình xét xử Leifer.

“Khi mỗi phiên tòa mở ra mà không đi đến lệnh dẫn độ sẽ tiếp tục mang lại tổn thương cho những người còn sống và ảnh hưởng đến sự liêm chính của các cơ quan Israel”, Anton Block, người mới từ chức vị trí người đứng đầu Hội đồng Điều hành Người Do Thái Úc (ECAJ), cơ quan cao nhất đại diện cho người Do Thái ở Australia.

Cô Meyer nói rằng công lý được thực thi là cách duy nhất khép lại vụ án của Leifer. “Tôi mong Israel sẽ dẫn độ bà ấy”, cô nói. “Đó là điều tôi mong mỏi nhất mà nếu không xảy ra tôi không biết sẽ bước tiếp thế nào”.

Hạnh Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/quan-he-israel-australia-xau-di-vi-vu-lam-duc-tinh-duc-khong-hoi-ket-post1030320.html