Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc sẽ vươn lên tầm cao mới

Kế hoạch đầu tư của các công ty BEO Technology, Trina Solar, BYD, Sunny, Alibaba... là những điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2023.

Trong các ngày 12-13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" (6/2008 - 6/2023).

Sự kiện này được kỳ vọng rằng, hai bên sẽ nâng cấp hơn nữa quan hệ song phương phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chung của hai nước, có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực và trên toàn cầu trên nhiều lĩnh vực như an ninh, kinh tế...

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trước khi tiến hành Hội đàm- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện tại, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Thông tin từ Global Times phiên bản tiếng Trung cho biết kim ngạch thương mại song phương đạt 234,9 tỷ USD trong năm 2022. Và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc trong 10 nước ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Ônng Roger Luo Giám đốc Alibaba khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong 3 năm tới, Alibaba.com sẽ hoàn tất việc thành lập các nhóm chuyên trách để hoạt động tại các trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam. Ành: Reuters.

FDI từ Trung Quốc tăng mạnh

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI lớn thứ 3 sau Singapore và Nhật Bản. Chỉ riêng nửa đầu năm 2023, Trung Quốc rót gần 1,3 tỷ USD vào 233 dự án tại Việt Nam.

Hiện, Trung Quốc đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD. Có nhiều công ty Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng, mở rộng phát triển sản xuất tại Việt Nam như BEO Technology, Trina Solar, BYD, Sunny, Alibaba...

Trong năm nay, đã xuất hiện nhiều điểm sáng đầu tư của Trung Quốc. Hồi đầu năm, Reuters đã thông tin nhà sản xuất BOE Technology Group Co Ltd, đơn vị cung cấp màn hình cho cả Apple và Samsung, đang có kế hoạch đầu tư lên tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy mới tại miền Bắc để bổ sung sản lượng cho nhà máy tương đối nhỏ ở miền Nam.

BOE có kế hoạch thuê 100 ha đất để xây dựng một nhà máy sản xuất hệ thống điều khiển từ xa với chi phí 150 triệu USD, phần còn lại sẽ dành cho nhà máy sản xuất màn hình, với 250 triệu USD. BOE có kế hoạch sản xuất màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) phức tạp hơn tại nhà máy mới thay vì màn hình tinh thể lỏng (LCD).

Cùng thời gian, hãng xe điện BYD Auto Co có trụ sở tại Tây An – doanh nghiệp có doanh số bán hàng gấp đôi so với đối thủ Tesla tại Trung Quốc, cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi. Khoản đầu tư sẽ trên 250 triệu USD, để bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất, mở rộng sự hiện diện của BYD tại Việt Nam.

Giống như Tesla, BYD kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả sản xuất pin, một chiến lược khiến công ty này khác biệt với các nhà sản xuất lâu đời. Có những đồn đoán rằng hoạt động của BYD tại Việt Nam có thể phục vụ thị trường địa phương, chủ yếu qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, vào tháng 3 năm nay, theo biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Công nghệ Quang học Sunny của Trung Quốc với UBND tỉnh Thái Nguyên, thì Sunny đang có kế hoạch đầu tư tới 2,5 tỷ USD để phát triển một khu liên hợp sản xuất quang học tại Thái Nguyên. Việc xây dựng cơ sở này sẽ mất 5 năm sau khi có giấy phép đầu tư, đồng thời cơ sở này sẽ cung cấp thiết bị cho cả các ngành công nghiệp điện tử và ô tô.

Cũng tại Thái Nguyên, nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc Trina Solar đang có kế hoạch đầu tư thêm 420 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Việt Nam lên gần 900 triệu USD. Trina, được thành lập năm 1997, là một trong những nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất Việt Nam, hiện đang vận hành hai nhà máy ở Thái Nguyên.

Alibaba.com, nền tảng thương mại điện tử B2B toàn cầu của Trung Quốc cũng sẽ mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Theo Roger Luo, Giám đốc Alibaba khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong 3 năm tới, Alibaba.com sẽ hoàn tất việc thành lập các nhóm chuyên trách để hoạt động tại các trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam, bao gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng và Hải Phòng, bên cạnh các nhóm đã hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông này, có 3 yếu tố khiến Việt Nam trở thành một phần điểm rất quan trọng trong bản đồ phát triển thương mại điện tử của Alibaba. Một là, Việt Nam có chính sách ngoại thương thuận lợi với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết. Hai là, chi phí lao động vẫn còn thấp. Thứ ba, Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc biệt.

Giải thích về dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực, các chuyên gia cho rằng, hiện Trung Quốc đang có sự thay đổi về chiến lược, khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài để có lợi nhuận với thu nhập từ sở hữu, bù đắp cho những khó khăn đang tồn tại.

Thực tế, triển vọng, tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển kinh tế thế giới đang hướng tới việc giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hiện nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại do các nguyên nhân bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc đang duy trì trao đổi thường xuyên nhằm duy trì và nâng cao, mở rộng xu thế phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.

Gần đây nhất, ngày 1/12, phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì, hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận về việc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, nhất trí nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu; nâng cao hiệu quả thông quan để duy trì thương mại thông suốt, đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng.

Theo Minh Tiệp/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/quan-he-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-se-vuon-len-tam-cao-moi-195659.html