Quan hệ Mỹ - Iran: Vén màn đàm phán bí mật, bất ngờ với một chữ 'nhường'

Vốn 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' nhưng khi 'giọt nước' sắp tràn ly thì cả Mỹ và Iran đều đang cố gắng 'nuốt trôi cục tức' vì những lợi ích và toan tính quan trọng từ cả hai phía. Xung đột quân sự trực diện và quy mô lớn là cái kết không ai mong muốn.

Mỹ-Iran đều không muốn tổn thất và tránh leo thang căng thẳng. (Nguồn: AP)

Không hào hứng đối đầu quân sự trực diện

Bài phân tích trên tờ The Wall Street Journal gần đây cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Iran tồn tại một cuộc chiến trong bóng tối ở khắp Trung Đông dựa trên nguyên tắc được cả hai bên công nhận: Một bên sẽ đáp trả tương xứng nếu bị đối phương tấn công.

Nhưng khi chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị trả đũa vụ phiến quân thân Iran tấn công bằng máy bay không người lái làm 3 lính Mỹ thiệt mạng ngày 28/1, toan tính của hai đối thủ "truyền kiếp" đã thay đổi. Cả Washington lẫn Tehran đều tỏ ra không hào hứng với đối đầu quân sự trực diện.

Vụ tập kích bằng máy bay không người lái ngày 28/1 nhằm vào một căn cứ quân sự ở Jordan giáp biên giới Iraq và Syria là đòn tấn công đầu tiên kể từ tháng 10/2022 do lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn khiến lính Mỹ thiệt mạng.

Vụ việc khiến nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ lên tiếng đòi Nhà Trắng đáp trả bằng hành động quân sự nhằm vào Iran.

Với chính quyền Tổng thống Biden, tấn công lực lượng bán vũ trang Iran Quds tiềm ẩn nguy cơ bị Tehran tung đòn đáp trả trong bối cảnh Iran sở hữu kho tên lửa và máy bay không người lái hiện đại, số lượng lớn, từ đó biến cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza thành chiến tranh khu vực.

Theo The Wall Street Journal, đây làkết cục mà Nhà Trắng tìm cách né tránh trong năm bầu cử tổng thống Mỹ.

Toan tính của Iran thậm chí còn phức tạp hơn. Nếu cố tìm cách kiềm chế lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Yemen, Syria và Liban, Iran có nguy cơ hủy hoại hình ảnh vai trò lãnh đạo. Nhưng nếu tìm cách tấn công ngày một trực diện vào Mỹ, Iran đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt quân sự.

“Cả hai bên đều đang tìm cách sử dụng vũ lực theo cách làm thay đổi hành xử của đối phương, nhưng không bên nào muốn vượt quá 'lằn ranh đỏ'”, Gerald Feierstein, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia cao cấp tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington bình luận.

Vì vậy, Tổng thống Biden tuyên bố Iran có phần trách nhiệm trong vụ tấn công chết người bằng máy bay không người lái. Tổng thống Biden cũng đã thông qua kế hoạch không kích kéo dài trong nhiều ngày nhằm vào các cơ sở và lực lượng đồn trú của Iran ở Iraq và Syria.

Nhưng đòn đáp trả, dự kiến được tung ra sớm nhất vào cuối tuần này, sẽ mang tính chất đa cấp độ, kết hợp giữa hành động quân sự với các bước đi khác vốn có thể được điều chỉnh để phát đi tín hiệu Washington không tìm kiếm leo thang hơn nữa.

Mục đích của Mỹ là buộc Iran và lực lượng ủy nhiệm giảm tấn công ở khu vực khi Mỹ và đồng minh theo đuổi đàm phán về một lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel mà họ hy vọng sẽ làm xuống thang căng thẳng.

Về phần mình, Iran cũng gửi đi tín hiệu nhấn mạnh Tehran không ra lệnh tấn công, đồng thời cảnh báo đòn quân sự của Mỹ nhằm vào lãnh thổ Iran hay lực lượng Iran đồn trú ở khu vực sẽ kích thích Iran tấn công đáp trả.

Giới phân tích nhận định tín hiệu ngầm ở đây là Tehran sẽ kiềm chế một khi Washington không vượt "lằn ranh đỏ". Theo Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London (Anh), những gì thế giới đang chứng kiến chính là một dạng đàm phán sau bức màn kín để quản lý căng thẳng, tránh leo thang xung đột.

Có đòn tấn công nhưng chỉ là "dằn mặt"

Theo The Wall Street Journal, giới phân tích nhìn nhận với việc chủ động phô trương sớm ý định về đòn tấn công đáp trả, Mỹ có thể muốn cho Iran có thời gian để di chuyển lực lượng, phân tán vũ khí, trang bị, giảm quy mô thiệt hại từ đòn tấn công của Mỹ.

Thêm nữa, động thái này cũng có thể giúp giảm sức ép đối với Iran về việc đáp trả Mỹ. Theo Tướng Joseph Votel, cựu tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, việc gửi tới Iran thông điệp về đòn đáp trả sẽ chỉ hiệu quả nếu bao gồm một số cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào mục tiêu của Iran bên cạnh các cuộc không kích lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuẫn.

Tướng Votel cho rằng để phát đi thông điệp này, Mỹ không nhất thiết phải tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran, nhưng phải tính toán cẩn thận để tránh mở rộng xung đột.

Năm 2000, căng thẳng giữa Washington và Tehran chút nữa đã biến thành xung đột sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích mục tiêu ở Baghdad, sát hại Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Iran đã đáp trả bằng loạt tấn công tên lửa nhằm vào binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq nhưng không gây tổn thất về người cho quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, The Wall Street Journal cho rằng, chưa thể biết rõ liệu Mỹ và Iran có thể tránh được leo thang không mong đợi.

Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) – trung tâm chuyên về nghiên cứu giải pháp xung đột, cho rằng 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công căn cứ ở Jordan là nhân tố buộc Tổng thống Biden phải lựa chọn mục tiêu trả đũa có thể dẫn tới tổn thất về người với Iran.

“Nếu Mỹ tấn công lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nhưng giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, Iran có thể không nhất thiết phải đáp trả theo cách có thể sẽ mở rộng vòng xoáy bạo lực. Nhưng nếu binh sĩ IRGC thiệt mạng, rất khó để Iran chấp nhận tổn thất này mà không trả đũa”, chuyên gia này nhận định.

(theo The Wall Street Journal, moderndiplomacy.eu)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-iran-ven-man-dam-phan-bi-mat-bat-ngo-voi-mot-chu-nhuong-260187.html