Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lại… 'dậy sóng'

Là đồng minh và cùng thuộc khối NATO nhưng quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ kỳ luôn trong trạng thái 'đồng sàng, dị mộng'.

Quan hệ giữa hai nước cũng từng căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus hồi năm 1974 và cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003.

Cho đến nay, hai nước vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Đặc biệt, kể từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa hai bên liên tiếp xảy ra những “cơn sóng gió”.

Trước hết là việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016 và hiện sống lưu vong ở Mỹ nhưng không được Washington đáp ứng.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đã dung dưỡng, chứa chấp kẻ cầm đầu gây ra vụ đảo chính, làm cho nhiều người thiệt mạng. Khi chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan lật ngược thế cờ, kiểm soát được tình hình đất nước đã tiến hành một chiến dịch truy lùng những người tham gia đảo chính trên quy mô lớn và cuộc tranh cãi giữa Ankara và Washington xung quanh sự kiện này vẫn chưa có hồi kết.

Hai là, việc Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ với Nga trong việc xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu, nhất là thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ Curtis Scaparrotti cho biết Mỹ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và cảnh báo Ankara có thể phải đối mặt với những hậu quả do quyết định này.

Vì Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, không thể trang bị vũ khí của đối thủ, nhất là khi Ankara đang có hợp đồng mua máy bay tàng hình F35 của Mỹ. Đó sẽ là mối đe dọa cho NATO mà trực tiếp là Mỹ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã từng tuyên bố nước này sẵn sàng đáp trả các lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể sẽ áp dụng nhằm vào quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói nếu Mỹ muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ đáp trả bằng cách khác.

Ba là, mới đây, ngày 25/7, một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ cho phép linh mục Brunson bị giam giữ ở nước này trong 21 tháng qua được chuyển sang chế độ quản thúc tại gia. Nếu bị kết tội, linh mục Brunson có thể bị kết án 35 năm tù giam.

Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc ông Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sĩ Fethullah Gulen.

Phát biểu tại một sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 26/7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết ông thay mặt Tổng thống Donald Trump gửi tới Tổng thống Tayyip Erdogan và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp “hãy trả tự do ngay cho linh mục Andrew Brunson, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả”.

Ông Pence nhấn mạnh nếu Thổ Nhĩ Kỳ không hành động ngay lập tức để trả tự do cho linh mục Brunson và trao trả về Mỹ, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cần thiết đối với Ankara cho đến khi linh mục Brunson được trả tự do.

Trước sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã liệt Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách bị trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam linh mục Andrew Brunson.

Đáp trả, trên tài khoản Twitter chính thức của mình, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ông "không có một xu nào" tại Mỹ và ông "không có ước mơ nào ngoài việc được sống tại đất nước của mình".

Trong khi đó, cũng trên tài khoản Twitter cá nhân, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu cho rằng "tài sản duy nhất mà chúng tôi có ở Mỹ là FETO" như muốn ám chỉ tổ chức của những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “trả đũa” lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa của Mỹ.

Có thể nói quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên sóng gió cũng là điều dễ hiểu. Vì Thổ Nhĩ kỳ không phải là đồng minh trong NATO “dễ bảo” như Mỹ tưởng. Nhất là trong những mối quan hệ đan xen mà Mỹ đang thực hiện ở khu vực Trung Đông làm cho Thổ Nhĩ Kỳ không thể an tâm được.

Mặt khác, sau cuộc trưng cầu dân ý, Hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho Tổng thống Tayyip Erdogan, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây, nhiều quyền hành hơn, điều sẽ có thể làm Mỹ không dễ dàng chi phối được.

Điều cốt lõi để Thổ Nhĩ Kỳ có thể cứng rắn trước những lời đe dọa của Mỹ chính là Washington cần Ankara trong chiến lược địa chính trị của mình.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/quan-he-mytho-nhi-ky-lai-day-song/343130.vgp