Quan hệ Mỹ-Trung chưa thể 'tan băng' vì vụ khinh khí cầu

Việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ đã khiến bầu không khí trong quan hệ song phương thêm phần u ám.

Vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ có thể khiến hai nước đánh mất động lực hiếm hoi sau cuộc gặp tại Bali, Indonesia, tháng 11/2022. (Nguồn: AFP)

Phản ứng của nước Mỹ đối với “nhiệm vụ do thám” không đúng lúc của Trung Quốc có thể để lại hệ quả kéo dài với nỗ lực ổn định quan hệ.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Bắc Kinh, vốn dự kiến diễn ra cuối tuần này, khẳng định ông sẽ tới Trung Quốc “vào thời điểm thích hợp”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ chưa thể triển khai chuyến thăm chừng nào Trung Quốc chưa cho thấy thiện chí một cách nghiêm túc.

Thậm chí, một số nhà lập pháp xứ cờ hoa đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cái gọi là “sự vi phạm không thể chấp nhận được” với chủ quyền nước Mỹ.

Ngày 3/2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, đã yêu cầu Washington giải thích tại sao chưa hạ lệnh bắn hạ khinh khí cầu này, cho rằng ông Biden đang tạo điều kiện cho “mối nguy hại trực tiếp và thường trực với an ninh quốc gia Mỹ”.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, một khi Ngoại trưởng Blinken giữ nguyên kế hoạch, lưỡng viện, vốn có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, sẽ chỉ trích Washington “mềm mỏng và thiếu tầm nhìn” về Bắc Kinh sau sự kiện vừa qua.

Tại Trung Quốc, bầu không khí về câu chuyện khinh khí cầu cũng không sáng sủa hơn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lấy làm tiếc rằng khinh khí cầu “sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và các nghiên cứu khoa học khác” đã “đi lạc”.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng, lập luận của Bắc Kinh về khinh khí cầu khí tượng “đi lạc” sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông nhận định: “Sự kiện này đã làm cho bầu không khí trở nên trầm lắng hơn, khiến một số quan chức duy trì lập trường cứng rắn của mình. Không có gì bảo đảm rằng cả hai bên có thể tiếp tục duy trì động lực trước đó từ cuộc gặp gỡ tại Bali tháng 11/2022”.

Ông Zhu Feng, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định: “Theo tôi, ông Blinken đã sử dụng câu chuyện khinh khí cầu làm lý do để thực hiện điều ông muốn làm từ trước – từ chối thăm Trung Quốc”.

Song với việc hoãn tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, cũng như nêu một số vấn đề quan trọng với xứ cờ hoa như đưa công dân bị giam giữ về nước hay triệt phá đường dây buôn lậu fentanyl.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng muốn có quan hệ ổn định với Washington để tập trung hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, ông Derek Grossman, nhà phân tích về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tập đoàn RAND (Mỹ) nhận định: “Về cơ bản, tôi nghĩ rằng, chính quyền của ông Biden mong muốn sắp xếp lại lịch cho chuyến thăm, trong bối cảnh hai bên có thể thảo luận về nhiều vấn đề và hâm nóng quan hệ. Song với vụ việc vừa qua, nỗ lực phá băng quan hệ dường như sẽ bị trì hoãn vô thời hạn”.

Tuy nhiên, viết trên Twitter, ông Ryan Hass, chuyên gia Trung Quốc tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định câu chuyện khinh khí cầu ít ra cũng là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc cùng nhau thiết lập một số cơ chế về giao tiếp trong không gian và bầu trời, nơi không quân hai nước có thể tiếp xúc gần nhau trong tương lai.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-trung-chua-the-tan-bang-vi-vu-khinh-khi-cau-215420.html