Quan hệ Mỹ-Trung: Nét mới trong chuyện cũ

Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục là tâm điểm đáng chú ý nhất tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-4/6 ở khách sạn cùng tên ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: Itar-Tass/UPI Photo/Imago)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: Itar-Tass/UPI Photo/Imago)

Sở dĩ có từ “tiếp tục” là bởi theo nhà phân tích chính sách James Crabtree, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore, trọng tâm của diễn đàn Shangri-La trong gần hai thập kỷ qua luôn là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy Đối thoại Shangri-La lần này có gì đặc sắc?

Nhân tố mới…

Trước hết, đó là sự xuất hiện của những gương mặt mới. Năm nay, sự chú ý chắc chắn sẽ đổ dồn vào ông Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, người vừa thay ông Ngụy Phượng Hòa tháng Ba vừa qua. Kể từ đó đến nay, quan chức hàng đầu của nền quốc phòng Trung Quốc chưa xuất hiện nhiều tại các sự kiện quốc tế, diễn đàn khu vực. Đối thoại Shangri-La sẽ là cơ hội tốt để ông để lại dấu ấn.

Đáng chú ý, kể từ khi nhậm chức, ông Lý Thượng Phúc vẫn chưa có bất kỳ cuộc gặp gỡ trực tiếp nào với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Thậm chí, ngày 29/5, Lầu Năm Góc cho biết chính Trung Quốc đã từ chối đề nghị của xứ cờ hoa về tổ chức cuộc họp giữa quan chức quốc phòng hàng đầu của hai nước tại Đối thoại Shangri-La. Nói về quyết định trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết Mỹ cần “tôn trọng nghiêm túc chủ quyền, lợi ích và mối quan tâm của Trung Quốc”, thể hiện sự chân thành, tạo không khí thuận lợi trước đối thoại.

Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của ông Lý Thượng Phúc về “Sáng kiến An ninh mới của Trung Quốc”, gặp gỡ trao đổi với đại diện nước chủ nhà cũng như tiếp xúc với các đoàn khác sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Về phần mình, ông Lloyd Austin dự kiến gặp gỡ một số nhà lãnh đạo bên lề sự kiện, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng tại khu vực, tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, với ASEAN làm trung tâm.

Một điểm nhấn khác là sự xuất hiện của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, diễn giả chính phát biểu khai mạc ngày 2/6. Qua bài phát biểu của mình, ông phác thảo tầm nhìn quốc gia về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm ngoái, với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có phát biểu đáng chú ý về chủ đề này.

Bức tranh cũ

Dù có thay đổi về đại diện Trung Quốc, song nội dung Đối thoại Shangri-La năm nay dường như vẫn là chuyện giữa nước này và Mỹ.

Thực tế cho thấy, lời từ chối của phía Bắc Kinh, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung có chuyển biến phức tạp kể từ Đối thoại gần đây nhất với nhiều sự kiện nóng, bao gồm việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó thăm Đài Loan (Trung Quốc).

Một mặt, hai bên cho thấy nỗ lực cần thiết để hạ nhiệt. Đầu tháng Năm, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Vienna. Tổng thống Mỹ Joe Biden tin tưởng quan hệ với Trung Quốc sớm “tan băng”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder nhấn mạnh quyết định của Trung Quốc không ảnh hưởng tới nỗ lực tìm kiếm đường dây liên lạc với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Mặt khác, các sự cố trên thực địa giữa quân đội hai nước diễn ra với tần suất ngày một lớn, tiêu biểu là vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc tháng Hai. Mới đây, trong thông báo ngày 30/5, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) cho biết, máy bay J-16 Trung Quốc đã bay cắt mặt máy bay do thám RC-135 của xứ cờ hoa. Tháng 12/2022, một vụ việc tương tự xảy ra, khiến máy bay Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Liệu một cuộc gặp giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ-Trung có thể thay đổi thực trạng này hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Trong Đối thoại Shangri-La năm 2022, ông Austin từng gặp riêng người đồng cấp Trung Quốc khi đó là ông Ngụy Phượng Hòa. Tuy nhiên, lần tiếp xúc ngắn ngủi này không giúp xoa dịu quan hệ song phương, với ông Ngụy chỉ trích Washington ngăn cản Bắc Kinh phát triển tại diễn đàn này.

Trên thực tế, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia tháng 11/2022, các hoạt động tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì song với tần suất thấp.

Đó là chưa kể khi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị, ông Lý từng bị chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt liên quan đến thương vụ máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 giữa Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ-Trung chưa gặp gỡ tại Shangri-La không phải là điều gì quá đỗi bất ngờ hay tiêu cực. Có chăng, quyết định của Trung Quốc và phản ứng từ phía Mỹ cho thấy sự thận trọng từ cả hai phía. Tuy nhiên, trong một liên kết được chính giới và học giả mô tả là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế kỷ XXI”, sự thận trọng ấy chắc chắn là cần thiết.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-trung-net-moi-trong-chuyen-cu-229311.html