Quan hệ Nga - Mỹ leo thang căng thẳng

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một số cá nhân và thực thể của Nga, Moscow tuyên bố sẽ đáp trả.

Ngày 3-3, Reuters đưa tin, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt là bằng chứng cho “hành động tấn công thù địch chống Nga”. “Tất cả những điều này chỉ là viện cớ cho việc tiếp tục can thiệp công khai vào công việc nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này. Chúng tôi sẽ đáp trả dựa trên nguyên tắc có đi có lại, tuy nhiên không nhất thiết cân xứng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố.

Theo bà Zakharova, Mỹ có quyền tự do lựa chọn có “đối thoại ngang bằng” với Nga trên cơ sở hợp lý hay không. Nga sẽ không quan tâm tới bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ “vốn đã không đạt được mục đích trong quá khứ và giờ đây sẽ tiếp tục lại thất bại như vậy”. “Bất chấp “cơn nghiện” trừng phạt của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình và đáp trả mọi sự gây hấn. Chúng tôi thúc giục Mỹ đừng đùa với lửa”, bà Zakharova nêu rõ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục thất bại. Ảnh: Press TV.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục thất bại. Ảnh: Press TV.

Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh ngày 2-3, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao của Nga nhằm đáp trả việc Moscow bắt giam nhân vật đối lập Alexei Navalny và cáo buộc tình báo Nga đã cố gắng sát hại ông Navalny vào năm ngoái. Reuters đánh giá đây là “thách thức trực diện nhất” cho đến nay của chính quyền của Tổng thống Joe Biden đối với Điện Kremlin. Theo đó, Mỹ đóng băng toàn bộ tài sản liên quan đến 7 quan chức này trên lãnh thổ Mỹ và bất kỳ cá nhân nước ngoài nào cố ý “sắp xếp giao dịch quan trọng” cho họ đều có nguy cơ bị Washington trừng phạt. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt trừng phạt 14 thực thể của Nga gồm 9 công ty và 1 viện nghiên cứu tại Nga, 3 doanh nghiệp tại Đức và 1 doanh nghiệp tại Thụy Sĩ. Trước đó, vào ngày 1-3, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí áp đặt trừng phạt đối với 4 quan chức cấp cao trong ngành tư pháp và thực thi pháp luật của Nga với cùng cáo buộc nói trên.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nhận định, “với EU và Mỹ, tình hình hiện nay không quan trọng mà chỉ là cái cớ để bôi nhọ lãnh đạo Nga”. Theo ông, đây là “phương pháp không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế”. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga “không bao giờ đạt được mục đích”.

Cho dù việc Mỹ và Nga đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) thêm 5 năm được xem là một động thái tích cực, song theo giới phân tích, Moscow cũng không đặt nhiều kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương với Washington dưới thời tổng thống Biden. Trên thực tế, thời còn làm Phó tổng thống và ngay cả khi tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã không ít lần công khai nhìn nhận Nga là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ. Chính Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã khẳng định: “Nga không mong chờ điều gì tốt đẹp về tương lai quan hệ song phương với Mỹ. Moscow có thể chuyển sang cách tiếp cận tối thiểu với Mỹ và chỉ duy trì “đối thoại có chọn lọc” ở những vấn đề mà Nga có lợi ích. Cuối cùng thì chỉ có người Mỹ mới có thể quyết định điều gì, khi nào và theo cách nào để tạo dựng quan hệ song phương với chúng tôi”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quan-he-nga-my-leo-thang-cang-thang-653144