Quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc đóng băng sau vụ khinh khí cầu

Ồn ào chính trị về khinh khí cầu Trung Quốc nghi làm nhiệm vụ do thám trên bầu trời Mỹ không chỉ làm hỏng chuyến thăm Bắc Kinh đã được lên kế hoạch trước của Ngoại trưởng Mỹ, mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt.

Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4-2. Ảnh: Reuters.

Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4-2. Ảnh: Reuters.

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Truyền thông Mỹ đưa tin khinh khí cầu của Trung Quốc đi qua không phận của Mỹ đã bị máy bay chiến đấu nước này bắn hạ ngoài khơi bang Carolina, trên Đại Tây Dương, vào chiều ngày 4-2 (giờ địa phương).

Trước đó, một số quan chức quân sự Washington đã khuyến cáo không nên bắn hạ khinh khí cầu này trong lãnh thổ đất liền của Mỹ do lo ngại các mảnh vỡ có thể gây hại cho người dân khi rơi xuống đất. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó tuyên bố với báo giới rằng "sẽ xử lý" thỏa đáng khí cầu này. Hai nguồn tin am hiểu sự cố cho biết những mảnh vỡ của khí cầu bị bắn hạ sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm ở Quantico, bang Virginia để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích. Nhiều tàu hải quân và cảnh sát biển Mỹ được huy động để bảo vệ khu vực chiếc khí cầu rơi. Các mảnh vỡ sẽ được thu hồi. Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai nỗ lực hợp tác cùng FBI và các cơ quan phản gián để "phân loại và đánh giá" khí cầu.

Khinh khí cầu khí tượng hay do thám?

Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5-2 ra tuyên bố bày tỏ "hết sức bất bình và phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự". Tuyên bố nhấn mạnh động thái này của Mỹ là "hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế". Trong tuyên bố đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố khẳng định việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.

Tuy nhiên, quan chức chính quyền Mỹ cũng bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc rằng đây là khí cầu dân sự phục vụ mục đích khí tượng bay lạc vào không phận Mỹ. Người này khẳng định đây là khí cầu do thám của Trung Quốc, cố tình đi qua Mỹ và Canada để tìm cách thăm dò "các địa điểm quân sự nhạy cảm".

Tác động của sự cố

Theo Reuters, phản ứng ở Mỹ với vụ việc sẽ gây hậu quả kéo dài với những nỗ lực ổn định mối quan hệ song phương vốn đã ở gần mức thấp lịch sử.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc mà theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 3-2. Ông cho biết ông sẽ chuẩn bị thăm Bắc Kinh khi điều kiện cho phép, nhưng chính quyền Mỹ khó có thể nhanh chóng thực hiện chuyến đi nếu Trung Quốc không đưa ra các cử chỉ thiện chí nghiêm túc. Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Vụ việc này đã làm xấu bầu không khí và củng cố các quan điểm. Không có gì đảm bảo hai bên có thể khôi phục thành công động lực ở Bali".

Một số nhà phân tích cho rằng nếu ông Blinken tiếp tục chuyến thăm, động thái này có thể sẽ khiến chính quyền Mỹ phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt hơn từ Quốc hội Mỹ, rằng cách tiếp cận đối với Trung Quốc là yếu ớt. Một số nhà lập pháp Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Joe Biden buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vụ việc mà họ coi là vi phạm chủ quyền Mỹ không thể chấp nhận được. Các thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đang tìm cách điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc và đã nhanh chóng gây sức ép với ông Biden về vụ khinh khí cầu, đặt câu hỏi làm thế nào mà nó có thể bay vào không phận Mỹ.

Trong một tuyên bố riêng khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh. Ông Zhu Feng, Giám đốc điều hành của Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh cho biết: "Nếu ông Blinken hủy chuyến đi tới Bắc Kinh vì khinh khí cầu, tôi sẽ coi đó là cái cớ để ông ấy làm điều mà ông ấy muốn làm, đó là không phải thăm Trung Quốc".

Trong một cuộc điện đàm sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington cần tập trung duy trì liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai và xử lý các khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quan-he-ngoai-giao-my-trung-quoc-dong-bang-sau-vu-khinh-khi-cau-post272892.html