Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản: Không bằng mặt cũng phải bằng lòng

Vị trí địa lý, liên kết kinh tế và thể chế chính trị không cho phép Nhật Bản tham gia vào vòng xoáy do Mỹ dẫn đầu để chống lại Trung Quốc.

Khách du lịch Trung Quốc tại Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Washington D.C. hồi giữa tháng 4 là chuyến thăm của nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Trong buổi gặp mặt, ông Suga và ông Biden đã chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai của liên minh Mỹ-Nhật, công bố các sáng kiến mới về biến đổi khí hậu, đầu tư công nghệ và sức khỏe cộng đồng.

Quan trọng nhất, tuyên bố chung giữa Mỹ và Nhật Bản đã xác định Trung Quốc là thách thức lớn mà liên minh truyền thống này phải đối mặt.

Tuyên bố chung cũng khẳng định mối “lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ”. Rõ ràng, Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác để ngăn chặn sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở châu Á và cạnh tranh về mặt kinh tế với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn rằng, Washington đã thành công trong việc lôi kéo Tokyo vào thế đối đầu Bắc Kinh.

Xứ sở hoa anh đào có thể ngày càng lo ngại về các hành động của Bắc Kinh và sẵn sàng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng sự thật là, việc Nhật Bản rạn nứt quan hệ với quốc gia láng giềng này rất khó xảy ra.

Thay vào đó, Nhật Bản vẫn cam kết duy trì mối quan hệ chiến lược “cùng có lợi” với Trung Quốc, bởi Tokyo có không ít lý do để làm như vậy. Vị trí địa lý, liên kết kinh tế và thể chế chính trị không cho phép Nhật Bản tham gia vào vòng xoáy do Mỹ dẫn đầu để chống lại Trung Quốc.

Sự phụ thuộc lẫn nhau

Chu kỳ quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản có thể thay đổi nhanh chóng.

Hơn một năm trước - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã định đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền (sau đó hai bên đã đồng ý hoãn chuyến thăm do dịch Covid-19). Chuyến thăm của ông Tập nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Sự kiện này được cho là nền tảng cho chiến dịch của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khi đó nhằm tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, trong đó có thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và đẩy mạnh hợp tác trong việc quản lý các nguy cơ xung đột ở Biển Hoa Đông.

Cựu Thủ tướng Abe đã đặt trọng tâm nâng tầm quan hệ khăng khít với Washington, trong khi tìm kiếm những cơ hội mới trong quan hệ với Bắc Kinh.

Sáng kiến của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản khi đó chủ yếu tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng chính trị và xây dựng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt là cơ hội cho các dự án cơ sở hạ tầng chung của hai nước ở các quốc gia đang phát triển.

Không khó để nhận ra, một chính trị gia được cho là tương đối thân cận với Mỹ như ông Abe cũng không thể phủ định sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đòi hỏi một mối quan hệ láng giềng Tokyo-Bắc Kinh ổn định trong khu vực.

Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Trung Quốc là khoảng 130,3 tỷ USD, ít hơn đáng kể so với đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ, nhưng gần ngang bằng với các khoản đầu tư của đất nước mặt trời mọc vào các nền kinh tế lớn ở Tây Âu.

Bên cạnh đó, hơn 7.750 doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, dẫn đầu trong số các công ty nước ngoài tại quốc gia đông dân này. Đây là con số lớn hơn tổng số công ty Nhật Bản đang hoạt động tại 10 thành viên ASEAN cộng lại, và cao hơn đáng kể so với số lượng tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Thương mại - nguồn tăng trưởng quan trọng

Thương mại với Trung Quốc là nguồn tăng trưởng quan trọng của Nhật Bản trong 2 thập kỷ qua, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước này được coi là có phần ảm đạm.

Không chỉ là thị trường lớn của Nhật Bản, Trung Quốc còn có số lượng du học sinh, lao động và khách du lịch đến xứ Phù Tang nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Công dân mang quốc tịch Trung Quốc chiếm hơn 1/4 số người nước ngoài tại Nhật Bản, đặc biệt, số lượng sinh viên Trung Quốc chiếm đến 40% tổng số du học sinh tại Nhật Bản.

Tất cả những xu hướng này đều tăng nhanh chóng dưới thời của cựu Thủ tướng Abe - người chủ trương mở cửa nền kinh tế với các luồng hàng hóa, vốn và con người từ Trung Quốc.

Tác nhân chính trị và kinh tế mạnh mẽ đã hỗ trợ quan hệ này, đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn nhấn mạnh phải xoa dịu sự đối kháng giữa hai nước, thông qua các lời kêu gọi công khai về ngoại giao và cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với các nhà lập pháp và quan chức chính phủ.

Dưới thời ông Abe, những người theo chủ nghĩa trọng thương ủng hộ quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh đã giành được ưu thế. Giới chức ở một số bộ ngành quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản, đã thúc đẩy hợp tác và chống đối đầu với Trung Quốc.

Đây là những yếu tố mang tính "vận động hành lang" ở Nhật Bản nhằm ngăn cản quan hệ song phương với Trung Quốc căng thẳng và đi vào bế tắc.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và các đồng minh chính trị của Nhật Bản đều muốn 2 nước tăng cường hội nhập kinh tế, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng chính trị gia tăng.

Thậm chí khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cựu Thủ tướng Abe vẫn được coi là ưu tiên các mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Cách tiếp cận của ông Abe hàm ý rằng, Tokyo đang cố gắng đưa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh ra khỏi những căng thẳng địa chính trị, ngay cả khi Mỹ bắt đầu kêu gọi phân tách với Trung Quốc.

Những năm gần đây, thái độ của công chúng Nhật Bản cũng trở nên gay gắt hơn với Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh khẳng định yêu sách đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Tuyên bố chung với Mỹ trong cuộc gặp hồi giữa tháng 4 là dấu hiệu mới nhất cho thấy, ông Suga - người kế nhiệm Thủ tướng Abe vào tháng 9 năm ngoái, sẽ không quay lại đường lối ngoại giao nồng ấm với Trung Quốc.

Thủ tướng Suga đã bắt đầu trợ cấp cho các công ty Nhật Bản muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo 72 tuổi còn tích cực tham gia vào Bộ tứ thông qua việc thúc đẩy cuộc họp cấp Ngoại trưởng vào tháng 10 và hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được tổ chức vào tháng 3, qua đó kiềm chế Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các bộ trưởng trong nội các của ông Suga đã công khai phản đối Luật bảo vệ bờ biển mới của Trung Quốc, trong đó nêu rõ thời điểm lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực và có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp.

Cùng chung sống hòa bình

Chính sách Trung Quốc của Nhật Bản vẫn đang được quan tâm.

Sự phát triển vượt bậc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là không thể phủ nhận, khi không ít tập đoàn Nhật Bản tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường không thể thiếu.

Gần đây, các công ty hàng đầu của Nhật Bản, bao gồm Toyota và nhà sản xuất robot Fanuc, đã công bố các khoản đầu tư mới đáng kể vào Trung Quốc.

Các nhà sản xuất linh kiện chính cho chip máy tính của Nhật Bản cũng nhanh chóng nhận thấy cơ hội giành thị phần sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Những lợi ích kinh tế nhiều khả năng sẽ khuyến khích các chính trị gia Tokyo thúc đẩy quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Có lẽ quan trọng nhất, người dân Nhật Bản tiếp tục tin rằng, quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng và đáng được duy trì.

Nhiều người Nhật cho rằng, đất nước mặt trời mọc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách hợp tác với quốc gia láng giềng, đồng thời là đối tác kinh tế khổng lồ, bất chấp những rủi ro đến từ phía Trung Quốc.

Cuộc thăm dò mới nhất của Genron NPO cho thấy, gần 90% người Nhật có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, nhưng đồng thời hơn 2/3 người Nhật coi hợp tác kinh tế với Trung Quốc là quan trọng đối với tương lai của Nhật Bản.

Nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử quyết đoán trong khu vực, hành động của Bắc Kinh một ngày nào đó có thể dẫn đến rạn nứt cơ bản với Tokyo.

Nhưng có lẽ, tương lai đó sẽ rất khó xảy ra. Nhật Bản đã hành xử cân bằng giữa quan hệ đồng minh lịch sử với Mỹ, cùng lúc duy trì quan hệ kinh tế bền chặt với Trung Quốc.

Giới chức, chính trị gia và giới kinh doanh Nhật Bản sẽ tiếp tục mở các kênh liên lạc với Bắc Kinh cùng niềm tin rằng, một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc “không chỉ quan trọng đối với Nhật Bản và Trung Quốc, mà còn đối với hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế".

(theo Foreign Affairs)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-trung-quoc-nhat-ban-khong-bang-mat-cung-phai-bang-long-144775.html