Quan hệ Việt Nam - Australia: 5 thập kỷ đã qua và tương lai rộng mở phía trước

Việt Nam và Australia là Đối tác chiến lược toàn diện được 5 năm và đang ở trước ngưỡng cửa một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội để hai nước gắn bó chặt chẽ và gần gũi với nhau hơn.

Ngày 26/2, đánh dấu tròn 50 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong năm thập kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã bước qua nhiều giai đoạn phát triển và được định hình bởi nhu cầu của mỗi nước cũng như bối cảnh của khu vực và thế giới.

Việt Nam và Australia đã là Đối tác chiến lược toàn diện được 5 năm và đang ở trước ngưỡng cửa một giai đoạn phát triển mới mà ở đó có nhiều cơ hội để hai nước gắn bó chặt chẽ và gần gũi với nhau hơn.

Australia là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973, chỉ ít ngày sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước đã phát triển qua nhiều giai đoạn và giờ đã trở thành “Đối tác chiến lược” từ năm 2018.

Thành tựu sau 5 thập kỷ gắn bó

Việc Australia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao được Việt Nam đánh giá cao khi giúp chúng ta phá thế bao vây, cấm vận và đặt nền móng cho việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Australia)

Trả lời phóng viên VOV thường trú tại Australia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết: “Điều đáng trân trọng là suốt thời gian Mỹ bao vây, cấm vận Việt Nam thập niên 1980, Australia chủ động phát triển quan hệ nhiều mặt với chúng ta. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Australia được triển khai từ năm 1973 trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, viễn thông, ngân hàng.… Sau khi đóng góp tích cực giải quyết vấn đề Campuchia, Australia tiếp tục trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên nối lại ODA cho Việt Nam. Những năm gần đây, không ít nước phương Tây cắt giảm ODA, song Australia vẫn giữ mức bình quân khoảng 80 triệu AUD/năm và tài khóa 2022-2023 còn tăng ODA cho Việt Nam thêm 18%.

Các khoản hỗ trợ phát triển chính thức ODA của Australia không chỉ giúp Việt Nam cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, hỗ trợ bình đẳng giới mà một phần quan trọng trong đó đã giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kể từ khi Australia bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam, hơn 6000 sinh viên đã được tham gia các khóa đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn tại Australia và cả Việt Nam. Các khóa học này không chỉ giúp nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia mà còn góp phần xây dựng đội ngũ lao động có tri thức để đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển của Việt Nam.

Trả lời phóng viên VOV Đài TNVN thường trú tại Australia, Giáo sư Suiwah Leung, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Australia, người từng được nhận Huân chương danh dự do Chủ tịch nước trao tặng do những đóng góp vào mối quan hệ giữa hai nước và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo ở Việt Nam cho biết, nhiều người Việt Nam sau khi nhận học bổng và sang Australia học đã trở về nước và quay trở lại các vị trí công việc trong cơ quan nhà nước hay các trường đại học, đóng góp vào quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam cũng như việc Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó tiêu biểu là việc tham gia ASEAN và WTO.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành chia sẻ, trong 2 năm qua, khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Australia đã hỗ trợ Việt Nam 26,4 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 trong lúc nguồn vaccine khó tiếp cận và đắt đỏ. Đồng thời, Australia cũng cung cấp một số trợ giúp kỹ thuật khác giúp Việt Nam triển khai tiêm vaccine ở cả vùng sâu, vùng xa.

Về kinh tế, thương mại, từ năm 1974, hai nước đã trao cho nhau quy chế tối huệ quốc, hai bên cũng đã xây dựng nhiều văn kiện để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Hiện nay, kinh tế - thương mại là một trong 3 trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Kể từ khi quan hệ được nâng lên Đối tác chiến lược, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Hiện Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt nam là đối tác thương mại thứ 10 của Australia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm Australia năm 2022 và gặp Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết: "So với thời điểm trước Covid-19 (2019), mặc dù một giai đoạn đầy thách thức, kim ngạch song phương đã tăng lên 96%. Nhìn tổng thể 50 năm, chúng ta đã làm được hai việc là đưa kim ngạch song phương lên gấp đôi và hoàn thành sớm, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là nâng kim ngạch song phương lên 15 tỷ USD (năm 2022 đã nhanh chóng đạt được 15,7 tỷ USD)".

Ông Nguyễn Phú Hòa cho hay, nhìn lại 50 qua, quan hệ thương mại giữa hai nước đã dần đi vào chiều sâu, theo đó hình thành các chuỗi cung ứng bền vững. Hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Việt Nam nhập nhiều nguyên phụ liệu và xuất khẩu các sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường Australia.

Ngoài những thành tựu có thể đong đếm bằng những con số, quan hệ giữa Việt Nam và Australia còn phát triển vượt bậc trên cả khía cạnh chính trị, ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước và các bộ, ban, ngành, địa phương hai bên cũng thường xuyên có các chuyến thăm viếng lẫn nhau vì thế việc trao đổi thông tin diễn ra liên tục, tạo cơ sở để hai bên thêm hiểu về nhau, tôn trọng nhau và gia tăng sự tin cậy chính trị. Quan hệ ngoại giao - chính trị chặt chẽ đã tạo nền tảng để các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng rộng mở và sâu sắc hơn, bao gồm cả lĩnh vực an ninh-quốc phòng.

Quan hệ song phương mang đến lợi ích cho cả Việt Nam và Australia

Không khó để thấy rằng, quan hệ tốt đẹp với Australia đang mang về những lợi ích thiết thực và có thể nhìn thấy rõ đối với Việt Nam. Trên khía cạnh chính trị - ngoại giao, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Australia đã giúp Việt Nam phá thế cô lập, mở rộng quan hệ bạn bè. Duy trì quan hệ với Australia cũng giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập với thế giới. Việc có quan hệ hợp tác lâu dài với Australia cũng giúp Việt Nam tăng cường sự kết nối và gia tăng lòng tin với các nước phương Tây trong giai đoạn đầu mở cửa, hội nhập quốc tế.

Các chương trình hợp tác trong khuôn khổ ODA có vai trò quan trọng, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Trong đó không thể không kể đến dự án tiêu biểu như đường dây 500kV Bắc-Nam, hai cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, hay chương trình học bổng đào tạo hàng nghìn người dân Việt Nam.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta gặp Tổng chưởng lý Australia Marks Dreyfus trong chuyến thăm và làm việc tại Australia năm 2022.

Ngoài những chương trình, dự án hợp tác cụ thể giữa hai nước trong khuôn khổ ODA, nhiều chương trình hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học-công nghệ giữa hai nước đều để lại những ảnh hưởng tích cực đối với kinh tế xã hội Việt Nam.

Trên diễn đàn quốc tế, Australia cũng luôn hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia APEC, gia nhập WTO. Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của Australia trong nhiều lần ứng cử làm thành viên của các cơ quan thuộc LHQ như gần đây nhất là lần Việt Nam ứng cử và trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Về phía Australia, quan hệ với Việt Nam giúp nước này duy trì bạn bè ở khu vực Đông Nam Á, nơi có vị trí chiến lược trong khu vực, nằm bên bờ Biển Đông nơi hàng hóa Australia qua lại thường xuyên. Duy trì quan hệ tốt với Việt Nam trong những năm qua cũng tạo cơ sở để nước này xây dựng lòng tin, củng cố quan hệ với các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng như với khu vực, trong đó có ASEAN. Trên thực tế, Việt Nam hỗ trợ Australia tham gia ASEM và nâng quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trên khía cạnh song phương, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng nên việc sớm thiết lập quan hệ với Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Australia đi trước trong việc tiếp cận và xây dựng thị trường tại Việt Nam và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Suiwah Leung cho biết, quan hệ thương mại giữa Australia và Việt Nam tăng trung bình 12%/năm kể từ năm 2013 cho đến nay. Hàng hóa Australia xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm khai thác mỏ và các sản phẩm nông nghiệp và hiện tại chiếm 1.5% kim ngạch xuất khẩu của Australia.

Giáo sư Suiwah Leung cũng cho hay, chương trình học bổng New Colombo Plan cũng đã đưa hơn 4.500 sinh viên đại học của Australia sang Việt Nam trong suốt những năm qua cũng đã giúp Australia hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa, ngôn ngữ và cách thức làm việc tại Việt Nam, qua đó giúp cải thiện sự hiểu biết giữa hai nước, tạo điều kiện để gia tăng kết nối và đầu tư giữa hai bên.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhận định, trong suốt 5 thập kỷ hợp tác, Australia luôn chủ động phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Giờ đây, mối quan hệ này được xây dựng dựa trên sự hiểu biết ngày càng sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Australia từ chỗ liên kết toàn diện với Anh, Mỹ trong nhiều thập kỷ nay chuyển chính sách hướng sang châu Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Australia gắn bó ngày càng chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á mà bạn đều coi là láng giềng. Trong khi đó, từ chỗ “muốn là bạn”, rồi “sẵn sàng” kết bạn, nay Việt Nam đã “là bạn, là đối tác tin cậy” của Australia.

Cựu Toàn quyền Peter Cosgove từng nhận định: “Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam”. Còn Ngoại trưởng Penny Wong cho biết: “Australia mong là một đối tác tốt hơn của Việt Nam”.

Tương lai rộng mở với nhiều tiềm năng hợp tác

Năm thập kỷ hợp tác vừa qua cho thấy, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia mang về lợi ích rất rõ ràng, cụ thể và thiết thực cho cả hai nước. Thời điểm hiện tại đang tạo ra những cơ hội mà hai nước cần nắm bắt để đưa quan hệ nhiều mặt phát triển lên một giai đoạn mới.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhận định, Việt Nam và Australia là hai nước láng giềng tại Tây Thái Bình Dương, chia sẻ lợi ích chiến lược về hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cao, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, khả năng công nghệ và tài chính.

Australia có kinh tế tri thức phát triển và nền giáo dục hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Australia đứng thứ hai trong các nước G20. Đặc biệt, người dân Australia không chỉ coi trọng, lắng nghe mà còn rất thiện cảm với người dân Việt Nam.

Với Việt Nam, Australia cũng đồng hành trong các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu như APEC, CPTPP và Liên Hợp Quốc. Đây chính là những thuận lợi mà hai nước cần tranh thủ và phát huy trong những năm tới.

Trên khía cạnh ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng, hai nước có thể gia tăng đối thoại chiến lược, lập thêm một số cơ chế mới trong lúc đẩy mạnh và khai thác tốt hơn các cơ chế sẵn có.

Ngoài 3 trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược hiện có, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng, hai nước đang cân nhắc một số trụ cột mới nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa. Các lĩnh vực đang nổi lên như biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số… được kỳ vọng sẽ là những lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước trong thời gian tới.

Về thương mại, Đại sứ Nguyễn Tất Thành đánh giá có 5 ngành hàng có nhiều khả năng tăng xuất khẩu mạnh nhất sang Australia thời gian tới gồm các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm số, vật liệu xây dựng, hải sản, nội thất. Đồng thời, logistics, du lịch, tin học cũng sẽ là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao và mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Australia.

Với giáo sư Suiwah Leung, giáo dục công nghệ, chuyển đổi số và du lịch là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng mà Australia và Việt Nam có thể đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việt Nam và Australia đang đứng trước ngưỡng cửa hợp tác mới mà những thành tựu hợp tác trong 5 thập qua đã cho thấy giữa hai nước không chỉ gần gũi mà còn có những lợi ích song trùng. Niềm tin được củng cố và sự nỗ lực trong tất cả các cấp của cả hai nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ mang về những lợi ích to lớn cho người dân hai bên, góp phần vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới./.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quan-he-viet-nam-australia-5-thap-ky-da-qua-va-tuong-lai-rong-mo-phia-truoc-post1004014.vov