Quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia tiếp tục phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển và ổn định trong khu vực và thế giới

LTS - Hôm nay, Việt Nam và Cam-pu-chia kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24-6-1967 - 24-6-2017). Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH trả lời phỏng vấn báo chí, nêu bật những thành tựu hợp tác và triển vọng mối quan hệ giữa hai nước thời gian tới. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn.

PV: Năm 2017 đánh dấu 50 năm Việt Nam và Cam-pu-chia thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng được chọn là “Năm hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia”. Xin Phó Thủ tướng cho biết về lịch sử, ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Cách đây đúng nửa thế kỷ, nhân dân hai nước đã chung sức và giành nhiều thắng lợi trên mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vào thời điểm lịch sử đó, ngày 23-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc bức điện đánh giá cao sự phát triển hết sức tốt đẹp trong quan hệ láng giềng giữa hai nước và coi việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là “biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu”, là “một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông - Nam Á”. Ngày 24-6-1967, ngày Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đi vào lịch sử hai nước như một sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng.

Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ này ngày càng khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế bằng công sức, xương máu và sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ, cũng như sự phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Cam-pu-chia, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

Tình đoàn kết, tình cảm son sắt, tinh thần tương trợ giữa hai dân tộc chính là động lực, là sức mạnh để quân đội và nhân dân hai nước cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, đưa đất nước Chùa Tháp hồi sinh và đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Đó là sự đoàn kết hai dân tộc trong lịch sử.

Nửa thế kỷ qua là một thời gian không dài so với bề dày lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc, nhưng là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Đó là thời kỳ mà nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia anh em luôn kề vai sát cánh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng xây dựng đất nước hòa bình, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Với sự gìn giữ, vun đắp của nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, ngày nay, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Với phương châm này, tôi tin tưởng quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển, hòa bình và ổn định trong khu vực. Đây là mong muốn chung của cả hai nước.

PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết về những thành tựu hợp tác nổi bật trong 50 năm qua và triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Những thành tựu mà Việt Nam và Cam-pu-chia cùng đạt được trong suốt 50 năm qua, không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn biểu hiện ở sự phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ nhất, quan hệ chính trị hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các địa phương của hai bên diễn ra thường xuyên. Các cơ chế hợp tác quan trọng, như Ủy ban Hỗn hợp, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới, tiếp tục được duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả; bên cạnh đó còn rất nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương; giao lưu giữa các tổ chức, tầng lớp nhân dân ngày càng nhộn nhịp với các hình thức ngày càng phong phú.

Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc và quyết tâm sớm hoàn thành công tác này nhằm đưa biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp luật pháp mỗi nước.

Thứ hai, cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước cũng không ngừng được thúc đẩy, tạo nền tảng quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước.

Đến nay, Việt Nam có 190 dự án đầu tư sang Cam-pu-chia, với tổng vốn đăng ký đạt 2,89 tỷ USD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đầu tư của Cam-pu-chia vào Việt Nam cũng tăng lên, đến nay đã có 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 58,125 triệu USD. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia được lãnh đạo và người dân Cam-pu-chia đánh giá rất cao, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Cam-pu-chia.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt trung bình ba tỷ USD/năm trong những năm gần đây và đạt 1,686 tỷ USD trong năm tháng đầu năm 2017. Hai bên đang phấn đấu để nâng kim ngạch song phương lên năm tỷ USD trong những năm tới. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước có lượng du khách lớn nhất thăm Cam-pu-chia; năm 2016 đạt 960 nghìn lượt người, chiếm 19% tổng lượng khách quốc tế đến Cam-pu-chia. Năm 2016, du khách Cam-pu-chia đến Việt Nam đạt 212 nghìn lượt người, đứng thứ 13 trong các thị trường khách du lịch đến Việt Nam.

Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, văn hóa, y tế, viễn thông, giao lưu nhân dân... được đẩy mạnh. Hằng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Cam-pu-chia sang học tại Việt Nam và Cam-pu-chia cũng giúp đào tạo sinh viên Việt Nam theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, với mong muốn những chủ nhân tương lai của đất nước là những cây cầu kết nối tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Việt Nam và Cam-pu-chia thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Cam-pu-chia; người bệnh Cam-pu-chia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức phí khám chữa bệnh như người Việt Nam. Hệ thống mạng di động Viettel có thể kết nối với mạng Metfone tại Cam-pu-chia hoạt động rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước trong giao tiếp, trao đổi thông tin và gần nhau hơn. Có thể nói giao lưu nhân dân đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Thứ tư, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại một số cơ chế hợp tác khu vực, như Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công (ACMECS)...

Nhân dân Cam-pu-chia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường năm 2017 và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử vào năm 2018. Là nước láng giềng, Việt Nam luôn mong muốn Cam-pu-chia hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33262802-quan-he-viet-nam-cam-pu-chia-tiep-tuc-phat-trien-vi-loi-ich-cua-nhan-dan-hai-nuoc-vi-su-phat-trien-va-on-dinh-trong-khu-vuc-va-the-gioi.html