Quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển năng động và toàn diện

Việt Nam và Hà Lan là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả giữa Việt Nam và một nước châu Âu.

Đêm 8/7 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Amsterdam, bắt đầu chuyến thăm Hà Lan từ ngày 9-11/7/2017 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển năng động và toàn diện, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước; Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Tuy vậy từ trước đó rất lâu, khoảng đầu thế kỷ 17, đã có những thương gia của Hà Lan đến Việt Nam mua gia vị, gạo, lụa, sành sứ. Trong kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, nhiều người dân Hà Lan đã xuống đường phản đối chiến tranh, lập Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam để giúp đỡ nhân đạo cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Schiphol Amsterdam (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Schiphol Amsterdam (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, quan hệ hai nước liên tục tăng cường. Việt Nam hiện là đối tác ưu tiên của Hà Lan. Các chính giới và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ và thống nhất cao về các chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Những năm gần đây, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Đoàn Việt Nam thăm Hà Lan có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị An ninh hạt nhân tại La-hay năm 2014; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải năm 2014; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tháng 4/2017.

Đoàn Hà Lan thăm Việt Nam có Thủ tướng Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam năm 2014; Chủ tịch Ủy ban Ngoại thương và Hợp tác của Hạ viện năm 2014; Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về tài chính toàn diện cho phát triển, Hoàng hậu Maxima thăm Việt Nam tháng 5/2017.

Với những kết quả hợp tác thời gian qua, Việt Nam và Hà Lan là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước vào tháng 10/2010. Đến nay, hai bên đã tổ chức 6 phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về lĩnh vực này.

Tại phiên họp vào tháng 4/2017, hai bên đã trao dổi về phương hướng hợp tác cập nhật và triển khai Kế hoạch đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới, như tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng, xem xét khả năng tiếp cận nguồn viện trợ của Quỹ Khí hậu xanh cho các dự án chuyển đổi.

Việt Nam và Hà Lan cũng đã thiết lập Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào tháng 6/2014 và đã triển khai hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng tích cực hợp tác trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU. Hà Lan ủng hộ quan hệ Việt Nam-Eu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Trong hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai bên tăng trưởng nhanh với khoảng 3 tỷ USD nửa đầu năm nay. Năm ngoái, Việt Nam xuất siêu sang Hà Lan 5,3 tỉ USD, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, giày dép, dệt may… Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan các mặt hàng máy móc thiết bị, linh kiện ô tô và phụ tùng, sữa, hóa chất, dược phẩm…

Hà Lan còn là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, đứng thứ 11/119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 287 dự án, tổng vốn 7,7 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là năng lượng điện, khai thác và phân phối dầu khí, hóa mỹ phẩm, sữa… Những tên tuổi lớn của Hà Lan có mặt ở Việt Nam như Heniken, Unilever, Royal Dutch Shell, Phillip.

Hà Lan cũng là nước tài trợ ODA sớm cho Việt Nam, ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ năm 2000 đến 2011, Hà Lan hỗ trợ ODA cho Việt Nam khoảng trên dưới 30 triệu Euro mỗi năm.

Từ năm 2014 trở lại đây, Hà Lan dần chuyển quan hệ với Việt Nam sang đối tác thương mại, đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và việc làm của Hà Lan. Hà Lan cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án về cơ sở hạ tầng thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho 45 quốc gia, gọi là Chương trình ORIO, triển khai từ năm 2009-2016. Hai bên cũng đã hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải, hải quan, hàng hải.

Với chuyến thăm Hà Lan lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và Hà Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu; tiếp tục là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả giữa Việt Nam và một nước châu Âu./.

Vũ Dũng/VOV

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/quan-he-viet-nam-ha-lan-phat-trien-nang-dong-va-toan-dien-post963.html