Quần hẹp ống gặp nhà giáo dục hẹp lòng

SGTT.VN - Đầu tuần này, tại một trường trung học ở Cần Thơ, khoảng 100 em học sinh bị đuổi về vì mặc quần không đúng quy cách. Các em tự ý bóp quần ống từ 18 – 20cm (theo quy định của nhà trường) xuống tối đa thành 12cm. Nhà trường lý giải rằng ngoài chuyện vi phạm quy tắc, các em đang độ tuổi mới lớn, nữ sinh mặc quần bó gợi cảm quá không phù hợp với môi trường giáo dục v.v.

Chuyện cuối tuần

Câu chuyện quần áo này chỉ nên dừng ở điểm: đừng vì tiểu tiết mà gây căng thẳng, làm mất cơ hội giáo dục, mà nên biến nó thành một dịp để đối thoại hợp tình hợp lý cho các em hiểu rõ mục tiêu giáo dục của nhà trường hơn là có hành động đàn áp, uy hiếp (ảnh minh họa). Ảnh: sggp

Khi các trang mạng đăng tải, ngay lập tức ở các diễn đàn của phụ huynh và học sinh đã có rất nhiều ý kiến chung quanh chuyện này. Phần lớn phụ huynh cho rằng quy định đồng phục là đúng và các em tự ý “sáng tạo” là sai. Phần lớn học sinh cho rằng, môi trường giáo dục không có nghĩa là bóp chết cá tính và sáng tạo. Học sinh mặc gì cũng thể hiện được con người thật, và lớp trẻ bây giờ khác xa với “ông bà bô” ngày xưa.

Nếu chuyện này xảy ra khoảng mười năm về trước chắc chẳng ai quan tâm, nhưng nó lại xảy ra đúng vào thời điểm một số vấn đề về chính sách, văn bản pháp quy hay luật lệ được ban hành gây phản cảm, vì thế chỉ một chuyện cỏn con từ một ngôi trường xa xôi, cũng dẫn đến những cuộc tranh luận thật ồn ào, như thể để người ta giải quyết… ức chế.

Thật ra trên thế giới các trường học đều có quy định cần thiết về trang phục để giữ môi trường giáo dục được trang nghiêm. Có nhiều nước quy định rất nghiêm ngặt, đó là chính đáng. Giữ đồng phục ở trung học là vì các em đang ở độ tuổi cần tập ăn mặc chỉnh tề, còn ra ngoài trường các em có thể tha hồ thể hiện cá tính. Riêng môi trường đại học, sau 18 tuổi các em đã có thể tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, vì vậy rất ít đại học có nội quy đồng phục.

Câu chuyện quần áo này chỉ nên dừng ở điểm: đừng vì tiểu tiết mà gây căng thẳng, làm mất cơ hội giáo dục, mà nên biến nó thành một dịp để đối thoại hợp tình hợp lý cho các em hiểu rõ mục tiêu giáo dục của nhà trường hơn là có hành động đàn áp, uy hiếp. Trong khuôn khổ của môi trường giáo dục, những quy định có tính xây dựng nhằm rèn luyện đạo đức tư cách cá nhân kiểu không được mặc quần hẹp như trên có thể nhận được sự thông hiểu nếu được giải thích cặn kẽ. Việc hành xử có tính mô phạm sẽ giúp cho các em hiểu rõ tính giáo dục của những quy tắc mà nhà trường đề ra. Sự thông hiểu này sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi để các em nhận thức được.

Với một số phụ huynh do hoàn cảnh khó khăn, con em đã lỡ bó hẹp ống quần mà không nới ra được, không gì dễ hơn là chính thầy cô cùng bạn bè sẽ thực hiện một hành vi ứng xử hết sức truyền thống: “lá lành đùm lá rách” để giúp cho các bạn có bộ quần áo đi học, hơn là dùng quyền lực của đội cờ đỏ “tống cổ” các em ra khỏi trường.

Từ cái ống quần hẹp mà đẩy các em đến những hành vi chống đối khiến nhà trường phải dùng biện pháp phản giáo dục, là điều không nên có. Tiếc thay, hiện nay không chỉ trong môi trường giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực khác, có những ứng xử thiếu văn hóa khiến xã hội vốn đã khủng hoảng các giá trị sống, càng bất an hơn.

Ngân Hà

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoa-giao/182423/quan-hep-ong-gap-nha-giao-duc-hep-long.html