Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử, hát Then góp mặt tại Lễ hội Việt - Nhật lần 8

4 loại hình nghệ thuật được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử và hát Then sẽ được trình diễn tại Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 tại TP.HCM.

Sáng 16-2, tại trung tâm Báo chí TP.HCM, UBND TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM đã có buổi họp báo công bố Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 với chủ đề "Cùng nắm chặt tay nhau, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới" diễn ra tại TP.HCM.

Đây là sự kiện văn hóa đối ngoại thường niên của thành phố, nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản nhằm tiếp tục khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết lễ hội năm nay có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo hai phía Việt Nam và Nhật Bản. Cả hai thường xuyên chỉ đạo và dành các nguồn lực cho công tác tổ chức.

"Các hoạt động diễn ra với quy mô lớn và thời gian sẽ dài hơn. Đây là lần thứ 8 thành phố tổ chức lễ hội này nhưng hầu như các lần trước các hoạt động diễn ra tập trung vào hai ngày cuối tuần (thứ 7 và Chủ nhật) thì lần này lễ hội sẽ diễn ra xuyên suốt trong 4 ngày, và các hoạt động tập trung ở nhiều lĩnh vực khác nhau" – ông Trần Phước Anh cho hay.

"Năm nay, tuyến metro số 1 đang thi công giai đoạn cuối cùng để hoàn tất đưa vào hoạt động và khai thác thương mại. Đây là biểu tượng cho sự giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam" - ông Watanabe Nobuhiro chia sẻ. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Theo ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Nhật Bản và Việt Nam là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về văn hóa, mối quan hệ này đang ngày càng phát triển và nâng lên một tầm cao mới.

Đặc biệt, hợp tác về văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực phát triển quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Hiện nay, Nhật Bản đứng vị trí thứ ba trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, số lượng du khách Nhật Bản đến Việt Nam khoảng 1 triệu người (trước thời điểm dịch bệnh), có 2.000 công ty Nhật đang hoạt động kinh doanh và có khoảng 20 ngàn người Nhật đang sinh sống tại Việt Nam, có khoảng 100 ngàn người Việt học tiếng Nhật. Đây là những bằng chứng cho thấy mối quan hệ hữu nghị mật thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản" - ông Watanabe Nobuhiro nhận định.

Các lãnh đạo chia sẻ về hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Nói về các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, ông Trần Phước Anh chia sẻ, lễ hội xoay quanh các chuỗi hoạt động từ xúc tiến về thương mại đầu tư, du lịch rồi các lễ hội về văn hóa, truyện tranh. Đặc biệt là buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Đây là hoạt động đầu tiên diễn ra trong lễ hội này mà 7 lần trước đây lễ hội tổ chức mà không có. Điều này cho thấy thành phố rất quan tâm làm sao để cho thấy được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ngoài ra, các hoạt động như Hội thảo về văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản; Sự kiện kết nối kinh doanh lễ hội truyện tranh Manga diễn ra xuyên suốt tại Khách sạn Nikko Sài Gòn. Hoạt động trang trí chào mừng kỷ niệm 50 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản tại công viên bến Bạch Đằng, đây cũng là nét mới trong hoạt động năm nay" – ông Trần Phước Anh nhận định.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM nói thêm lễ hội lần này có chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam. Ảnh: HÀ NGUYỄN

"Trong lễ hội Việt-Nhật lần 8 này hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trình diễn bốn thể loại di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử, hát Then).

Chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu với người dân Việt Nam mình cũng có một cái nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" – ông Hồ Xuân Lâm bày tỏ.

Hát Then là một trong 4 loại hình nghệ thuật sẽ được trình diễn tại Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản lần 8. Ảnh: TL

Ông Lâm cũng nói thêm, lễ hội còn có những gian hàng, biểu diễn các tiết mục múa dân gian của hai nước, trình diễn áo dài Việt Nam, Kimono Nhật Bản; biểu diễn võ thuật, nghệ thuật cắm hoa, múa Bon-odori, trình diễn hóa trang cosplay, nhảy truyền thống Awa-odori, nhảy cổ động của thiếu nhi Nhật Bản (Cheer dance), trò chơi dân gian Việt Nam, gói bánh ít, thắt lá dừa…

Lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần 8 diễn ra từ ngày 23 đến 26-2 tại Công viên 23-9, TP.HCM.

HÀ NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-ho-vi-giam-don-ca-tai-tu-hat-then-gop-mat-tai-le-hoi-viet-nhat-lan-8-post720150.html