Quản học sinh thời 4.0: Lấy giáo dục làm gốc

Học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học không còn là hiện tượng xa lạ. Ngoài việc trao đổi, tìm kiếm thông tin, giải trí, các em cũng dành nhiều thời gian tham gia mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tuy nhiên, tình trạng thiếu kĩ năng giao tiếp, nói tục văng bậy, kê kích, thậm chí nói xấu người thân, thầy cô bạn bè, đăng tải hình ảnh phản cảm, đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ và đòi hỏi sự chấn chỉnh, công tác giáo dục kĩ năng càng quyết liệt hơn.

Thiết bị thông minh luôn hiện hữu trong các nhà trường và được học sinh ưa chuộng

Thiết bị thông minh luôn hiện hữu trong các nhà trường và được học sinh ưa chuộng

Đa số học sinh sử dụng smartphone

Cô Bùi Thùy Linh - giáo viên Trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội cho biết: Tình trạng học sinh (HS) sử dụng điện thoại thông minh tại trường khá phổ biến và hầu hết các em tham gia mạng xã hội Facebook, Zalo. Mặc dù nhà trường đã có quy định về việc sử dụng điện thoại song giáo viên (GV); giám thị vẫn phát hiện HS cố tình sử dụng sai quy định trong giờ học, thi cử. Mặt khác, qua quan sát của GV, hoặc của chính HS với HS cho thấy, tình trạng mâu thuẫn quan điểm, nói xấu bạn bè, dùng lời nói xúc phạm, văng tục vẫn được các em thể hiện trên mạng xã hội.

Tuy chưa xảy ra những sự việc đáng tiếc, để lại hậu quả lớn song việc quản lý tham gia mạng xã hội của HS vẫn là bài toán nan giải của nhà trường bởi những chế tài chung chưa đủ mạnh. Giám thị và GV khi phát hiện lời nói, hành động thiếu văn hóa của HS trên mạng xã hội vẫn dựa trên những nội dung đó để kết hợp với gia đình… giáo dục uốn nắn tư tưởng, đạo đức HS là chính. Nặng hơn thì trừ vào hạnh kiểm thi đua của HS nên với một vài trường hợp HS “cá biệt” chưa đủ răn đe.

Thầy Nguyễn Minh Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai cũng chia sẻ: Trường có tổng số 82 cán bộ, giáo viên trong đó 66 giáo viên thì việc kiểm soát hết 930 HS (28 lớp học của 3 khối) có nói tục, chửi bậy, nói xấu thầy cô, bạn bè trên mạng xã hội hay không là quá khó. Nhà trường cũng không thể cấm HS sử dụng smartphone hay tham gia vào mạng xã hội, bởi đó là phương tiện để liên lạc và nếu HS sử dụng mạng xã hội đúng mục đích cũng có tác dụng, lợi ích.

Thực tế cho thấy, phụ huynh trang bị điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính bảng cho HS khá phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn, khu dân cư phát triển, gia đình HS có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, HS sử dụng smartphone, tham gia mạng xã hội không quy tắc, thiếu kĩ năng, nhà trường và gia đình không kiểm soát hết thì chắc chắn những hệ lụy xảy ra là điều khó tránh.

Học sinh phổ thông tiếp cận rất nhanh với công nghệ mới thời 4.0

Lấy giáo dục thay cấm đoán

Quản lý HS thời 4.0 cách nào hiệu quả, làm sao để các em có kiến thức, kĩ năng khi tham gia mạng xã hội, là bài toán trăn trở của nhiều nhà trường cũng như giáo viên trong khi vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, đây là quyền và nhu cầu hợp lý và không thể cấm.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hải - giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hà Nội cho rằng: Đa số HS bậc THPT đều có Facebook, Zalo. Nhà trường nhìn nhận được điều này nên ngay từ đầu năm học đã xác định lấy giáo dục để HS hiểu và có kĩ năng lên mạng xã hội là gốc vấn đề. Những buổi lên lớp đầu tiên, giáo viên đều dành thời gian để nói chuyện xung quanh vấn đề lên mạng xã hội đúng cách; điều gì các em nên và không nên thể hiện trên mạng; hạn chế việc câu like bằng những câu chuyện, hình ảnh phản cảm, khiêu khích; tránh chửi tục, văng bậy, tranh luận không cần thiết trên mạng xã hội... Trong trường hợp phát hiện HS có lời nói, hành động ứng xử không đúng, đưa thông tin, hình ảnh thiếu chính xác, phản cảm GV sẽ kết hợp cùng Ban tư vấn học đường phân tích điều chỉnh nhận thức để HS thấy sai trái của mình và sửa chữa.

Quản lý HS thời đại 4.0 không thể khoán trắng cho nhà trường hay gia đình. Điều quan trọng là tìm ra phương pháp giáo dục, trang bị kĩ năng mạng xã hội phù hợp kết hợp với quản lý, kiểm soát, xử lý hiệu quả đúng mực khi HS tham gia mạng xã hội.

Mặt khác, cô Hải cũng khẳng định, để giáo dục HS tham gia mạng xã hội tốt nhất thì bản thân GV phải gương mẫu. Trên mạng xã hội, thầy trò có thể là bạn cùng nhau, trao đổi chào hỏi thường xuyên song có HS không trao đổi trực tiếp mà chỉ theo dõi từng lời nói, cách hành xử của thầy cô. Vì vậy, trao đổi, ngôn ngữ của GV khi đưa ra trên mạng xã hội phải văn minh, đúng mực… Không để HS bị ảnh hưởng, bắt lời nói thiếu chuẩn mực của GV. Từ đó các em cũng thiếu đi sự tôn trọng với thầy cô trên lớp và ngoài đời.

Theo thầy Nguyễn Minh Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai, điều nhà trường có thể làm và đang làm khi phát hiện HS sử dụng điện thoại sai quy định là tịch thu, lập biên bản và mời gia đình đến trao đổi, giáo dục và trả lại điện thoại. Nếu HS tiếp tục vi phạm sẽ xem xét để đánh giá hạnh kiểm cuối học kỳ... Cùng đó, trường đang xây dựng những chế tài đưa vào quy chế phát ngôn của HS. Quy chế sẽ do chính HS bàn bạc soạn thảo và thông qua. Từ đó HS tự ý thức mình được nói, làm gì trên mạng xã hội.

Nhà trường và giáo viên cần có chuyển động kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ

Tuy nhiên, “để quản lý HS thời 4.0 hiệu quả, đồng thời ngăn chặn những hiệu ứng xấu của mạng xã hội tới HS, nhà trường đang lập dự án xin triển khai lập mạng wifi thông minh. HS sẽ được cấp ID và pass sử dụng mạng thông minh này thay vì sử dụng mạng Internet chung trong quá trình học tập, nội trú tại trường. Như vậy, nhà trường không chỉ quản lý được về mặt thời gian mà cả nội dung cũng kiểm soát tốt hơn. Giảm tối đa các hiện tượng tiêu cực khi HS tham gia mạng xã hội” - thầy Thuận cho biết.

Rõ ràng, việc quản lý HS thời 4.0 không dễ dàng và đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp. Trong khi các nhà trường xác định không thể cấm HS sử dụng mạng xã hội thì việc xác định lấy giáo dục, trang bị kĩ năng làm gốc là phù hợp và cần thiết bên cạnh những quy định xử phạt riêng của mỗi trường. Được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng chắc chắn HS sẽ có ý thức, trách nhiệm với lời nói hành động của mình khi tham gia mạng xã hội.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quan-hoc-sinh-thoi-40-lay-giao-duc-lam-goc-3970327-b.html