Quân khu 5: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ

Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để xây dựng, củng cố hạ tầng kết nối mạng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đạt được những kết quả nổi bật về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong LLVT Quân khu.

Phòng huấn luyện, thực hành công nghệ thông tin tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 2, với quy mô 30 máy tính, 1 máy chủ, cùng hệ thống mạng LAN đã được Quân khu 5 đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả tại hội thi Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn năm 2023. Khác với cách thi truyền thống, bằng thao tác “kích” chuột vào ô “xác nhận” để nộp bài, kết quả sẽ hiện ngay lập tức trên màn hình.Ứng dụng phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính bảo đảm tính trung thực, khách quan, nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được thời gian; góp phần vào thành công chung của hội thi.

Trong lĩnh vực hành chính quân sự, bao gồm: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số; hệ thông tin và chỉ đạo điều hành, phần mềm truyền hình ứng dụng (họp trực tuyến), thư điện tử quân sự... Các ứng dụng chuyên ngành cũng được các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 5 sử dụng như: Phần mềm quản lý cán bộ, quản lý đảng viên, quản lý tài chính, kế toán, bảo hiểm xã hội...

Phòng huấn luyện, thực hành công nghệ thông tin tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 2 được đưa vào sử dụng tại hội thi Trung đoàn trưởng, Chính ủy giỏi năm 2023.

Thượng úy QNCN Huỳnh Thanh Châu, nhân viên Văn thư Ban CHQS huyện Nam Giang, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Ban CHQS huyện mới được trang bị 1 bộ máy tính bàn, 1 máy in có cả chức năng scan, 1 cổng mạng internet mạng Viettel do dự án liên thông 1 cửa Bộ Quốc phòng cấp. Trong khi chờ đợi cấp trên hướng dẫn, tập huấn phương pháp sử dụng cho dự án liên thông, tôi đã vận dụng dùng các trang thiết bị được cấp để liên thông các văn bản thông thường với cấp ủy, chính quyền địa phương nên không còn phải chạy đi, chạy lại để nhận văn bản giấy như trước kia nữa…”.

Nói về kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong LLVT Quân khu 5, Thượng tá Nguyễn Trung Nhất, Trưởng Ban Công nghệ thông tin Quân khu cho biết: Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, củng cố hạ tầng kết nối mạng, Quân khu tiếp tục khảo sát, mở rộng mạng truyền số liệu quân sự cho các đơn vị kinh tế và một số đơn vị cấp 3 trực thuộc. Triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến hòa mạng với Bộ Quốc phòng trong tổ chức Hội nghị giao ban Quân khu; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, hệ thống công trình phòng thủ, quy hoạch Công nghiệp Quốc phòng, giao thông trên địa bàn Quân khu. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân khu 5 triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 31/35 đầu mối đơn vị sử dụng thành thạo phần mềm quản lý sức khỏe quân nhân. Tỷ lệ máy tính kết nối mạng quân sự tại sở chỉ huy Quân khu đạt 100%; tại sở chỉ huy các đơn vị trực thuộc đạt trung bình 92,57%.

100% văn bản điện tử không có độ mật do Quân khu phát hành đến các cơ quan, đơn vị bảo đảm chất lượng. Số lượng chữ ký số đã được cấp phát đưa vào sử dụng: 54 chữ ký số tổ chức, 348 chữ ký số cá nhân. 100% văn bản điện tử được ký số tổ chức khi ban hành. Phần mềm Hệ thông tin chỉ đạo điều hành và thư điện tử quân sự đã được triển khai đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tạo lập được 1.400 tài khoản Hệ thông tin chỉ đạo điều hành, 2.239 tài khoản mail quân sự Quân khu; tạo lập 112 USB an toàn 2.6; cài đặt chương trình chống mã độc TA-21 cho 819 máy tính; xử lý và làm sạch 13 máy tính bị nhiễm mã độc. Phát hiện và ứng cứu khắc phục 8 sự cố an toàn thông tin, khắc phục 11 lỗ hổng, điểm yếu bảo mật...

Nhân viên văn thư Bộ Tham mưu Quân khu 5 khai thác, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ công việc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính phủ điện tử, chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu vẫn còn phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số đó là thay đổi thói quen từ truyền thống sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, xử lý công việc trên môi trường mạng. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhận thức về chính phủ điện tử, chuyển đổi số còn đơn giản, chưa quan tâm đúng mức…

Để thực hiện thành công công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong LLVT Quân khu, theo Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng - Phó tư lệnh Quân khu, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử Quân khu, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nội dung phù hợp từng đối tượng, từng loại hình cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các cấp trong việc tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện chuyển đổi số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn kết chặt chẽ phát triển chính phủ điện tử với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, khâu đột phá, tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần gương mẫu đi đầu, trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, từ đó lan tỏa hành động, hình ảnh đến cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị.

Bài, ảnh: LÊ TÂY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-5-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-chuyen-doi-so-trong-thuc-hien-nhiem-vu-738506