Quân khu 9 đã chủ động ứng phó với các sự cố thiên tai như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn (CHCN) đến năm 2020 và những năm tiếp theo, những năm qua, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Quân khu 9 và các cấp luôn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó các sự cố thiên tai, TKCN.

Là tỉnh có địa hình khá phức tạp, những năm gần đây, Kiên Giang còn chịu ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu, như: Bão gió, triều cường, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn... Theo Đại tá Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, trước thực tế đó, những năm qua, LLVT tỉnh đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong triển khai thực hiện. Bộ CHQS tỉnh còn tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh làm tốt công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tham gia TKCN. Từ năm 2014 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hơn 400 buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho 5.300 lượt cán bộ, chiến sĩ và 3.200 lượt người dân; tổ chức 7 cuộc diễn tập PCTT-TKCN, phòng, chống cháy, nổ, cháy rừng; kịp thời huy động 19.433 lượt cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ; 304 xe, 394 tàu, ghe các loại tham gia giúp di dời, khắc phục cho hơn 20.335 hộ dân; chằng chống 26.569 căn nhà, thu hoạch 150ha lúa, đắp 3,2km đê bao… được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.

Việc tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác CHCN thời gian qua được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 9 tiến hành thường xuyên. Các đơn vị thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nội dung, chương trình huấn luyện CHCN hằng năm với chương trình huấn luyện chung theo chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng và hướng dẫn của Cục CHCN. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Cương, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Nội dung huấn luyện chủ yếu tập trung vào phương pháp chỉ huy, điều hành, phối hợp xử lý các tình huống khi có nhiều lực lượng, đơn vị tham gia khắc phục hậu quả và TKCN. Huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các trang bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các trang thiết bị cứu hộ phổ thông; kỹ thuật bơi cứu đuối và phương pháp cấp cứu người bị đuối nước; phương pháp di chuyển người, trang bị vật chất ra khỏi vùng lũ, cháy, nổ, sập đổ công trình; phân đội làm nhiệm vụ cứu hộ đê… Nhờ đó, nhận thức, trình độ của lực lượng tham gia CHCN được nâng lên, thực hiện tốt nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra trên địa bàn được giao đảm nhiệm”.

Quả thật, chứng kiến buổi huấn luyện, luyện tập tình huống TKCN sập nhà cao tầng, dập tắt đám cháy để cứu người và tài sản của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9), chúng tôi hiểu rõ hơn sự vất vả, hiểm nguy mà những người lính nơi đây đảm nhiệm. Tuy chỉ là những tình huống giả định nhưng được đơn vị xây dựng sát với thực tế, đòi hỏi rất cao về kỹ năng xử lý và sự phối hợp giữa các lực lượng trong từng tình huống. Trung tá Hà Anh Tuấn, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25 chia sẻ: “Để bộ đội thuần thục động tác, chúng tôi xác định là phải huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm; huấn luyện toàn diện từ lý thuyết đến kỹ thuật, đội hình. Trong quá trình huấn luyện, đơn vị luôn xác định yếu tố quan trọng là nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện bản lĩnh, đặc biệt thao trường huấn luyện, mô hình, học cụ làm sao phải được bố trí sát với thực tế, luyện tập như trên thực địa. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ luôn nắm vững kiến thức lý thuyết, thuần thục kỹ năng thao tác và sử dụng thành thạo các loại trang bị hiện có”.

Không chỉ chú trọng tổ chức huấn luyện, căn cứ vào điều kiện thực tế, từng địa phương đều tổ chức các lực lượng chuyên trách đảm nhiệm công tác PCTT-TKCN và đặt đưới sự chỉ huy, điều hành thống nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với đó, công tác dự trữ vật chất, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; khai thác nguồn lực cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa cũng được các địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Hằng năm, các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực kinh phí của Nhà nước, quân đội thực hiện việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT-TKCN. Ngoài ra còn thực hiện tốt công tác khen thưởng, chi trả, giải quyết chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia CHCN luôn kịp thời… Từ đó đã cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, tạo khí thế thi đua khi tham gia làm nhiệm vụ PCTT-TKCN giúp nhân dân.

LƯU ĐỨC QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-khu-9-da-chu-dong-ung-pho-voi-cac-su-co-thien-tai-nhu-the-nao-603634