Quản lí thuê bao di động trả trước: Sẽ có bao nhiêu thuê bao bị cắt sau thời điểm 2.3 ?

(VH)- Theo Thông tư Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ TT&TT đã được ban hành từ ngày 24.6.2009, kể từ ngày 1.1.2010, thuê bao di động trả trước không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động.

Mặc dù thời điểm khai báo thông tin đã được gia hạn 1 tuần và sau đó là 1 tháng cho tới ngày 30.1.2010 nhưng cho tới nay đã hết tháng 2 vẫn chưa có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động nào thực hiện triệt để điều khoản này. Lần lữa giữ thuê bao Cần phải nói thêm là chủ trương quản lí thuê bao di động trả trước đã được Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động thực hiện từ lâu, ít nhất là từ tháng 9.2007. Việc thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện đăng ký thông tin thuê bao cá nhân trả trước đã được Thanh tra Bộ phối hợp với Sở BCVT các địa phương tiến hành khá toàn diện. Nhiều cuộc họp giữa Bộ TT&TT và các nhà mạng và vấn đề tổ chức thực hiện Thông tư 22 đã được tổ chức. Trước tình trạng tin nhắn rác hoành hành, nhiều người chờ đợi thời điểm 1.1.2010 và sau đó là ngày 8.1.2010 sẽ có rất nhiều thuê bao trả trước bị cắt do không chịu khai báo thông tin cá nhân, khai báo sai hoặc 1 chủ dùng quá 3 thuê bao/mạng. Tuy nhiên, 2 thời điểm đó đã qua đi, rồi tới thời điểm 30.1.2010 mà Bộ TT&TT đã gia hạn nhưng dường như các nhà mạng vẫn chưa muốn cắt thuê bao của mình. Theo thống kê mới nhất từ Vina Phone, sau ngày 31.12.2009 số lượng thuê bao chưa đăng ký còn lại gần 1 triệu. Mạng này đã tích cực thực hiện mọi biện pháp như khuyến mãi, nhắn tin khuyến cáo, thông báo trên các phương tiện truyền thông nên cho tới nay số lượng thuê bao vượt quá 3 thuê bao/chủ sở hữu thuộc diện sẽ bị cắt hủy trên hệ thống chỉ còn lại khoảng 700 thuê bao. Nhà mạng khẳng định những thuê bao này đã bị khóa 2 chiều theo quy định của Bộ từ ngày 1.2 và được phép giữ số 30 ngày, đến hết 2.3 sẽ bị cắt hủy trên hệ thống. Tại Viettel, sau 4 tháng thực hiện siết chặt quản lí thuê bao trả trước, đến ngày 31.1.2010 mạng này cũng còn 50.000 thuê bao trong diện phải đăng ký lại thông tin trên số lượng ban đầu là 23 triệu thuê bao. Nhà mạng cũng khẳng định đã chặn 2 chiều vào lúc 15h ngày 1.2.2010 đối với các khách hàng có thông tin đăng ký trùng quá 3 thuê bao sau ngày 31.1.2010 chưa thực hiện việc đăng ký lại thông tin. Đồng thời Viettel cũng cam kết sẽ thực hiện thu hồi các số thuê bao này về kho “ngưng sử dụng” nếu trong khoảng thời gian 30 ngày (tính từ thời điểm thuê bao đó bị chặn 2 chiều) chủ các thuê bao không thực hiện đăng ký lại thông tin. Sau khi bị thu hồi, toàn bộ số tiền còn lại cũng như ngày sử dụng của tài khoản thuê bao sẽ bị xóa. Đồng thời Viettel sẽ không tiếp nhận và giải đáp các khiếu nại của khách hàng liên quan đến các số thuê bao bị thu hồi trên. Khách hàng cần biện pháp mạnh hơn Việc gia tăng quản lí thuê bao di động trả trước đã góp phần đáng kể giảm thiểu nạn thư rác, quảng cáo, quấy rối...khách hàng bằng ĐTDĐ, tuy mhiên hiện tượng lừa đảo khách hàng bằng tin nhắn vẫn tái diễn, nhất là vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua. Không ít người nhận được tin nhắn lừa đảo (trúng thưởng, nhận quà, xổ số...) đã bị mất tiền khi nhắn tin vào các số tổng đài cung cấp dịch vụ thông tin hoặc trò chơi. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn còn quá nhiều thuê bao DĐ trả trước thuộc diện “trôi nổi” và việc xử lí các thuê bao vi phạm cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ vẫn chưa được thực hiện triệt để. Một thực tế khác là không ai dám đảm bảo toàn bộ thông tin đã được khai báo của khách hàng đã hoàn toàn chính xác. Cuối năm 2009, một số kẻ lừa đảo đã dùng CMND đăng kí hàng chục thuê bao trả sau để sử dụng hoặc bán, lừa đảo hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người giật mình: “Thuê bao trả sau còn bị kẻ xấu đăng kí dễ dàng để lừa đảo thì các nhà mạng làm sao quản lí chặt thuê bao trả trước?”. Cho tới nay, việc mua một chiếc sim đã được kích hoạt có thể sử dụng ngay không có khó khăn, việc các nhà mạng thường xuyên khuyến mãi tài khoản cho các thuê bao trả trước khi kích hoạt và sau kích hoạt cũng góp phần làm gia tăng số “sim rác”. Nhiều người cũng lo ngại khi trong quy định về việc kiểm soát thuê bao di động, Bộ TT&TT chỉ quy định cá nhân được phép sở hữu không quá 3 thuê bao/mạng mà không đề cập đến các đối tượng đứng tên thuê bao là các doanh nghiệp. Được biết, nhiều doanh nghiệp đứng tên hàng chục, thậm chí là hàng trăm thuê bao trả trước để cấp cho cán bộ công nhân làm việc và ai dám đảm bảo những chiếc sim này không thể trở thành sim “trôi nổi”? Nhưng điều lo ngại nhất là dường như các nhà mạng không dám mạnh tay với các thuê bao vi phạm của mình và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin hay trò chơi mặc dù đã và đang có các chế tài thích hợp đã được Bộ TT&TT ban hành. Nhiều thuê bao vi phạm rõ ràng nhưng việc xử lí rất chậm trễ và không mang tính răn đe. Đồng thời cho tới nay các nhà mạng vẫn chưa hoàn tất việc thực hiện triệt để Thông tư Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ TT&TT sau 2 lần gia hạn khiến cho dư luận không thể không đặt vấn đề rằng : “ Họ (các nhà mạng) quan tâm tới lợi ích của chính họ nhiều hơn là quan tâm tới quyền lợi của khách hàng”. Quốc Hùng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/khoahoccongnghe/24149.vho