Quặn lòng nghe nhà giáo kể chuyện về hưu non

- Sau ngày khai giảng năm học mới, ngày 10/9/2011, chúng tôi - hơn 140 thầy cô giáo ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, được Ủy ban nhân dân huyện và Phòng giáo dục mời lên họp để nghe "vận động" về hưu theo nghị định 132 của Chính phủ.

Về hưu trước tuổi, mọi chế độ được nhà nước thanh toán, người nghỉ được nhận một món tiền nho nhỏ tính theo số năm còn lại. Kể cũng tốt.

Vậy nhưng...Một thầy giáo gầy gò, sự gian khổ hiện rõ trên gương mặt, trên trang phục, phát biểu: Tôi làm nghề dạy học từ thời còn trên bom dưới đạn. Đến nay kể được nghỉ sớm cũng hay.

Vì yêu nghề nên các con - tôi đều hướng chúng theo nghề của bố. Vậy nhưng con tôi học xong sư phạm đã 2 năm nay mà không có việc làm. Nếu tôi nghỉ hưu sớm, đồng lương sẽ sụt mất hai triệu, lấy gì nuôi đứa con đã hai mươi mấy tuổi đầu đang ngồi chờ việc? Giả sử cấp trên cho con tôi đi dạy, kiếm tháng vài triệu nuôi mình để bố khỏi phải nuôi, tôi sẵn sàng về hưu.

Đó cũng là tâm sự của hơn 40 thầy cô trong số hơn 140 thầy cô có mặt hôm đó!

Về hưu. Sau hơn 30 năm làm nghề, dốc hết sức lực, nhiệt tình, tâm huyết để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả, là đến tuổi về hưu. Ở trường tôi, để có bữa cơm liên hoan chia tay với người về, mọi người phải góp lại, phần mua quà tặng, phần tổ chức bữa cơm đơn giản. Nhà trường chỉ chi tiền bữa cơm cho người về hưu và Ban giám hiệu. Còn quà tặng của nhà trường là 6 cái chén (không có ấm).

Hơn 30 năm làm nghề cao quí – 6 cái chén quà tặng lúc nghỉ hưu!

Vẫn biết nghề nhà giáo “rất đơn sơ tập giáo án gối đầu” nhưng đơn sơ quá như ở trường tôi quả giống một điều mai mỉa. Và chúng tôi nghe giải thích: được thế là cũng nhiều rồi, không có qui định nào về chế độ quà tặng cho những người nghỉ hưu!

Đầu năm học mới, dư luận cả tỉnh nóng lên về nạn lạm thu các khoản tiền trường. Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo, tươi cười lên mặt báo trả lời dư luận: Sở đã có công văn hướng dẫn cụ thể các khoản thu đầu năm học, cứ theo công văn mà thực hiện. Đúng như thế thật. Đó là công văn số 768, ký ngày 08/8/2011 của Sở Giáo dục – đào tạo. Có lẽ thấy những khoản nằm trong mục “cấm vận động phụ huynh”, hoặc Giám đốc Sở “không ủng hộ” mà nhà trường vẫn thu, nên ai đó đã tưởng bở, viết thư phản ánh với báo chí.

Điều đó khiến Hiệu trưởng nổi giận.

Trong một cuộc họp toàn thể hội đồng, ông mắng chửi hết lời: người viết thư phản ánh với báo chí là người bất đồng lợi ích với nhà trường. Thấy hiệu trưởng mới mua xe ô tô, trong lòng ghen ghét không chịu nổi nên mới làm vậy. Nếu ai cứ có thói kiện cáo, tôi sẽ dùng quyền Hiệu trưởng để trả về Phòng. Nếu người kiện cáo còn trẻ, họ sẽ bố trí cho một công việc nào đó để làm. Nếu là người già, họ sẽ bắt nghỉ hưu...Chúng ta cần phải bảo vệ tập thể! Tôi cấm mọi người ngồi tụ tập với nhau để đâm chọt.

Trước đó, chúng tôi vừa cùng nhau kí vào bản cam kết, đăng kí một việc làm cụ thể “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do nhà trường phát động. Chắc ai đó muốn thể hiện mình đã thực hiên cam kết ấy. Vì vậy, việc phản ánh nhà trường lạm thu các khoản theo công văn số 768 là việc làm đúng pháp luật, là đấu tranh để bảo vệ cho sự trong sáng của nhà trường, làm cho phụ huynh ngày càng yên tâm, tin tưởng.

Vậy mà tại sao cả tập thể lại phải nghe những lời nói thiếu tính giáo dục của hiệu trưởng? Giả sử, có ai đó học theo hiệu trưởng, nói những lời tương tự với học sinh trong lúc bực bội, có được không?

Nguyễn Thị Hương Liên (Kỳ Anh, ngày 01/11/2011)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/50106/quan-long-nghe-nha-giao-ke-chuyen-ve-huu-non.html