Quản lý an toàn, minh bạch tiền công đức

Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào. Nhằm khắc phục phần nào tình trạng này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính trong tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích.

Vào dịp đầu năm hay những ngày Rằm, mùng Một tại nhiều ngôi chùa, ngôi đền thiêng khách thập phương kéo đến rất đông cầu tài, lộc và vãn cảnh chùa. Nhìn chung khách đến chùa ít nhiều đều thành tâm dâng cúng “tiền giọt dầu”.

Dù chỉ “một ly một lai” nhưng “góp gió thành bão” có ngôi chùa, ngôi đền số tiền công đức hằng năm cũng lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay ở rất nhiều di tích người ta cung tiến công đức nhà chùa, nhà đền không chỉ là tiền lẻ mà gia đình này, dòng họ kia cung tiến tiền, hiện vật... tính ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đáng lưu ý số tiền ấy chẳng có biên lai thu nhận hay bảng kê chi tiêu ra sao.

Câu hỏi đặt ra, với số tiền công đức rất lớn tại nhiều đền, đình, chùa, ai là người quản lý? Ở một số nơi, chính quyền cử người quản lý; có nơi để nhà sư quản lý; nơi thì khoán trắng cho tư nhân tiền công đức hằng năm; mỗi năm phải nộp lên cho xã với số tiền cố định, lời ăn lỗ chịu... Mỗi nơi mỗi kiểu nên đã có quá nhiều câu chuyện lình xình kiểm điểm, thanh tra quanh việc quản lý tiền công đức. Hệ lụy nhãn tiền, đã có nơi kỷ luật vì lòng tham nổi lên, người giữ tiền lại… trộm tiền.

Khắc phục tình trạng này, Điều 9 Thông tư 04 quy định, khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích; tổ chức, cá nhân quản lý lễ hội và người liên quan phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Trường hợp tiếp nhận tiền mặt, phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Theo tinh thần tại thông tư này, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Trước đó, câu chuyện Nhà nước có quản lý tiền công đức hay không đã được bàn nhiều năm nay.

Tại chốn tâm linh, đụng vào tiền bạc là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Do vậy việc ban hành Thông tư trên được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, qua đó góp phần minh bạch hóa hoạt động quản lý, thu chi tài chính đối với tiền công đức, nguồn thu từ lễ hội.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/400796/quan-ly-an-toan-minh-bach-tien-cong-duc.html