Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, phát huy lợi thế tài nguyên rừng, bảo đảm hài hòa lợi lịch của các địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại phiên thảo luận, theo Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), Nghị quyết số 81 của Quốc hội đã đưa ra định hướng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc là tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng.

Song đại biểu cho biết, do chính sách và nguồn lực trong công tác quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng chưa phù hợp, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… còn thấp, cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm. Trong đó, quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, đặc biệt nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng… nhằm đảm bảo được sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

 Chính phủ cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng.

Chính phủ cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng.

Được biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích trên 95,0 nghìn km2 (chiếm 28,75% của cả nước), dân số gần 12 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước). diện tích đất có rừng gần 5,4 triệu ha, chiếm khoảng 37% diện tích đất có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ là 54,02%, cao hơn nhiều mức bình quân chung toàn quốc (42%).

Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều địa phương thuộc diện khó khăn, chỉ 1/14 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên bình quân cả nước (tỉnh Thái nguyên GRDP: 4.831USD/người/năm); 7/14 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm 10 tỉnh thấp nhất cả nước; là vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với trên 30 dân tộc cùng sinh sống; hạ tầng phát triển còn chậm.

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, thường xuyên đã ảnh hưởng lớn tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Độ che phủ của rừng nước ta cũng đang giảm sút. Những tổn thất về rừng không thể bù đắp được và gây ra nhiều thiệt hại lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, trồng, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trở thành một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh, trong hai năm 2021 và 2022, cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh, bao gồm: 227 triệu cây rừng trồng tập trung (tương đương 130.000ha rừng trồng mới) và 223 triệu cây xanh trồng phân tán, vượt 7,6% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ tới 50%. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong những năm tới.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-dam-bao-hai-hoa-loi-ich-giua-cac-dia-phuong-77924.html