Quản lý bền vững sông, hồ đô thị tại Việt Nam

Ngày 6-12, tại Hà Nội, Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo 'Quản lý bền vững sông, hồ đô thị'. Hội thảo là hoạt động nằm trong Dự án Hành động trong lĩnh vực Môi trường tại Việt Nam - Nâng cao năng lực (Ateliers AVEC).

Hai khóa tập huấn chuyên đề về “Kiểm soát ô nhiễm sông, hồ đô thị” đã được thực hiện thành công, lần lượt tại thành phố Hà Nội vào tháng 7-2019 và tại tỉnh Hải Dương vào tháng 8-2019. Trong các khóa tập huấn này, các học viên và các chuyên gia Pháp-Việt đã tích cực trao đổi về các vấn đề liên quan đến kiểm soát ô nhiễm sông, hồ đô thị và nâng cao vai trò của sông, hồ đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Quá trình hình thành và phát triển của các đô thị Việt Nam gắn liền với việc khai thác và sử dụng nguồn nước. Phần lớn các đô thị tập trung dọc theo các sông lớn và có hệ thống ao, hồ, kênh, mương trên lãnh thổ. Các không gian mặt nước này thường đi kèm với cây xanh để tạo nên khung sinh thái, cảnh quan của đô thị, giúp cải thiện vi khí hậu và giảm bớt hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Các khu vực ven sông, ven hồ là những thành phần quan trọng của không gian mở công cộng, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân trong đô thị. Hệ sinh thái sông, hồ cũng góp phần làm đa dạng hệ sinh thái đô thị, tăng cường sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Sông, hồ đô thị cũng được sử dụng cho các mục đích khác của con người như nuôi cá, điều hòa nước mưa, tiếp nhận và xử lý nước thải.

Ngoài các giá trị về mặt chức năng đô thị, nhiều sông, hồ còn có ý nghĩa văn hóa – tâm linh – lịch sử. Ý nghĩa đặc biệt này khiến sông, hồ trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc tạo lập bản sắc của đô thị. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, sông, hồ đang đứng trước nguy cơ suy thoái và mất dần đi các giá trị vốn có của chúng. Các không gian mặt nước bị xâm lấn, giảm diện tích, thậm chí bị san lấp phục vụ cho các hoạt động xây dựng. Hệ quả là làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Chất lượng nước của các sông, hồ trong khu vực đô thị đều có dấu hiệu giảm sút.

Theo kết quả điều tra hiện trạng 2019 của Tổng cục Môi trường, các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ của các hồ nội thành, nội thị đều vượt giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước loại B. Đối với các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các thành phố lớn, môi trường nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như không có sự cải thiện qua các năm. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do một lượng lớn nước thải sinh hoạt và một phần chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, xử lý nhưng vẫn đổ thải trực tiếp vào sông, hồ.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thông qua kết quả hoạt động năm 2019 của dự án AVEC; trình bày các tham luận chuyên đề liên quan đến sông, hồ đô thị; thảo luận chung về chủ đề “Quản lý bền vững sông, hồ đô thị”. Các đề xuất và kiến nghị của các đại biểu trong hội thảo sẽ được tổng hợp lại trong báo cáo tóm tắt kết quả hội thảo. Báo cáo này sẽ được gửi tới các địa phương đối tác của dự án, các cơ quan, đơn vị đang quan tâm đến chủ đề sông, hồ đô thị nhằm mang lại các đóng góp hữu ích cho các chương trình hành động, các dự án cải tạo và bảo tồn sông, hồ đô thị ở cấp Trung ương và địa phương.

Tin, ảnh: HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quan-ly-ben-vung-song-ho-do-thi-tai-viet-nam-604593