Quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình

Sáng 10/10, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Nam. Theo đó, Hội nghị đã diễn ra tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Y tế khẳng định, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, bởi có đến 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó có 10% là người cao tuổi.

Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận. Do đó, mục tiêu trọng tâm là ưu tiên cho quản lý các bệnh không lây nhiễm là tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã.

PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Y tế cơ sở (bao gồm y tế thôn, bản, xã phường, quận, huyện, thị xã) được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế việc triển khai Trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc là: liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình hoạt động để nâng cao chất lượng trạm y tế xã phường, bước đầu tập trung tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bao gồm: Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP HCM và Long An. Trong đó, TP HCM sẽ đẩy mạnh xây dựng trạm y tế xã Thạch An, Cần Giờ về cơ sở vật chất, cũng như nguồn nhân lực như trang bị X-quang, mở rộng phòng khám, luân phiên bác sĩ, hoàn thiện nhà thuốc đáp ứng như cầu.

Hiện nay, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều người bệnh khám, điều trị ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối được sử dụng nhiều các dịch vụ cận lâm sàng gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ (Bảo hiểm y tế) BHYT.

Cùng với đó, kinh phí chi trả chệnh lệch nhiều trên một bệnh giữa các tuyến làm mất công bằng đối với người bệnh khi khám, chữa bệnh không lây nhiễm. Hậu quả là bệnh nhân xin chuyển tuyến, vượt tuyến về bệnh viện tuyến cuối gây ra tình trạng quá tải bệnh viện.

Để tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, các trạm Y tế xã cần tích cực triển khai được dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được BHYT thanh toán. Ưu tiên cho quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại Trạm y tế xã (có tính khả thi, thuận lợi hơn khi triển khai ở xã hiện nay).

Từ đó, củng cố mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm; bảo đảm các cơ chế chính sách; tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở và tổ chức triển khai các dịch vụ (Bệnh không lây nhiễm) BKLN tại tuyến (Y tế cơ sở) YTCS.

Trung tâm Y tế dự phòng/CDC tỉnh, thành phố chỉ đạo,hướng dẫn trạm y tế xã lập kế hoạch, triển khai hoạt động phòng chống yếu tố nguy cơ, dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm; thống kê báo cáo, quản lý thông tin; Phối hợp để kiểm tra, giám sát, tập huấn chuyên môn về dự phòng, quản lý bệnh cho trạm y tế xã.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ bằng các nguồn vốn để trạm y tế khang trang, sạch đẹp tạo niềm tin cho người bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn bệnh nhân, liên thông quản lý giữa các tuyến trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Quản lý các hoạt động tại trạm y tế.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-tai-tram-y-te-xa-theo-nguyen-ly-y-hoc-gia-dinh-tintuc419579