Quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu san lấp

Theo dự báo, thời gian tới trên địa bàn Quảng Ninh sẽ có nhiều dự án xây dựng hạ tầng tiếp tục được triển khai thực hiện, dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu đắp, vật liệu san lấp mặt bằng lớn. Trước thực tế này, tỉnh đã có giải pháp lâu dài để quản lý chặt chẽ tài nguyên, nhằm vừa chủ động đủ lượng đất phục vụ san lấp mặt bằng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu ngân sách, vừa không để thất thoát tài nguyên.

Thi công dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tháng 7/2020.

Trên địa bàn tỉnh có 73 vị trí nằm ở 13 địa phương đã được chấp thuận nghiên cứu, lập quy hoạch khai thác nguồn vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, tổng diện tích khoảng 1.000ha, trữ lượng khai thác khoảng 115 triệu m3. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, căn cứ vào số lượng dự án đầu tư xây dựng và phát triển trong những năm gần đây và kế hoạch giai đoạn 2020-2025, dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 1.000 dự án lớn, nhỏ được triển khai đầu tư xây dựng trong 5 năm tới, với nhu cầu ước tính về khối lượng vật liệu đắp, vật liệu san lấp mặt bằng khoảng 640 triệu m3, trung bình hơn 100 triệu m3/năm. Với trữ lượng tại các vị trí, địa điểm đã được chấp thuận nghiên cứu, lập quy hoạch khai thác nguồn vật liệu san lấp mặt bằng hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án trong thời gian tới.

Đơn cử như tại TX Quảng Yên hiện đang tập trung triển khai rất nhiều dự án lớn, như: KCN Bắc và Nam Tiền Phong; Tổ hợp cảng biển và KCN tại Đầm Nhà Mạc; Khu đô thị và dịch vụ Đầm Nhà Mạc... Đây đều là những dự án có quy mô đầu tư và diện tích quy hoạch đòi hỏi lượng lớn đất đá phục vụ san lấp mặt bằng.

Theo thống kê của UBND TX Quảng Yên, giai đoạn 2020-2025, địa phương cần 203,1 triệu m3 vật liệu xây dựng phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, hiện tại thị xã chỉ còn 2 dự án được cấp phép khai thác đất san lấp, gồm: Dự án khai thác đất khu vực Trại Thành (phường Đông Mai) và khu vực công viên nghĩa trang Quảng Yên (phường Tân An và xã Tiền An). Trữ lượng khai thác đất đá phục vụ san lấp mặt bằng của 2 dự án này còn khoảng 10 triệu m3, không đủ đáp ứng nhu cầu đất đá san lấp cho các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Không chỉ riêng TX Quảng Yên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa phương có các dự án trọng điểm cũng được dự báo nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp lớn. Điển hình như TP Hạ Long, dự báo giai đoạn 2020-2025 cần khoảng 196 triệu m3 nguồn vật liệu san nền; TP Móng Cái khoảng 80 triệu m3; TP Uông Bí là 35,33 triệu m3; Vân Đồn là 30 triệu m3...

Trước nhu cầu ngày càng cao, để đảm bảo nguồn vật liệu san lấp mặt bằng, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý những vị trí đã được quy hoạch, trong tháng 8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nghiên cứu các địa điểm, khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Đây được xem là bước đi trước, làm căn cứ để quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu san lấp. Từ đó, vừa chủ động đủ lượng đất phục vụ san lấp mặt bằng, tăng thu ngân sách, vừa không để thất thoát tài nguyên.

Thi công dự án đường nối tỉnh lộ 331B với tỉnh lộ 338 đoạn từ phường Quảng Yên đến phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên), tháng 7/2020.

Theo kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2020-2025 sẽ có 105 khu vực, địa điểm tại 13 địa phương được đưa vào thăm dò, khai thác san lấp, với tổng diện tích dự kiến 1.950ha. Trong số 13 địa phương có quy hoạch khu vực, điểm thăm dò, khai thác đất san lấp, các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ đều có từ 11-20 vị trí khai thác đất làm vật liệu xây dựng; các huyện, thị xã, thành phố còn lại được quy hoạch từ 2-9 vị trí khai thác đất san lấp. Theo tính toán, các mỏ đất này hoạt động trong giai đoạn 2020-2025, cho phép khai thác gần 420 triệu m3 đất đá làm vật liệu san lấp.

Để quản lý chặt chẽ các nguồn vật liệu san lấp này, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu thăm dò, khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục có liên quan, đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động theo quy định. Tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác phải thực hiện đúng dự án, quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông gắn liền với việc khai thác, vận chuyển, tái đầu tư sau khi khai thác đất làm vật liệu san lấp, nhằm phục vụ lợi ích chung của địa phương, các quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các nghĩa vụ liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan và các địa phương, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác hậu kiểm nhằm phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong quản lý cũng như trong hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng; đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước...

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/quan-ly-chat-che-nguon-vat-lieu-san-lap-2500399/