Quản lý… chồng!

Nhiều người phụ nữ đã suy nghĩ đến việc… quản lý chồng? Tại sao? Khỏi phải nói ra, ai cũng thừa biết tỏng đó là một người nổi tiếng 'sát nữ đại hiệp', bồ bịch mèo mỡ ba lăng nhăng. Hễ nghe nhắc đến tên, lập tức người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của kẻ đi săn đang say mồi. Thấy gái đẹp là anh ta ta tí tởn ga-lăng 'thả thính' đến rủ rê, hẹn hò... Biết vậy, do thương chị nên thú thật nhiều lần tôi cũng nói xa nói gần đặng chị có 'biện pháp cứng rắn' giữ chồng.

Minh họa: MINH SƠN

Cứ mỗi lần nghe tôi lẻo mép mách chuyện tày trời đó, chị chỉ cười, đánh trống lảnh qua chuyện khác, xem như không có gì. Tôi ngạc nhiên tợn, thầm nghĩ hay là chị đã hết thương chồng và cũng đang bí mật léng phéng với ai khác? Nếu không, làm sao chị có thể dửng dưng trước những thông tin không mấy hay ho về chồng mình?

Cuối cùng lần nọ do tôi gặng hỏi, chị cho biết, đại khái, do biết quảng giao có thừa, ăn cơm ngoài quán xá hơn ở nhà, hễ mở mắt ra là phóng xe đi làm mãi đến chiều tối mới lết thân về, vì thế cả hai cùng đặt quy ước chung. A, đã vợ chồng mà cũng có quy ước ràng buộc à? Thấy tôi tỏ ý ngạc nhiên chị từ tốn kể tiếp: “Tôi quy ước khi đã về đến nhà, bước chân vào nhà thì phải toàn tâm toàn ý cho vợ con, chỉ biết đến vợ con. Cần thế là đủ”.

Kể ra cũng lạ.

Thật ra không lạ, ngẫm nghĩ lại tôi thấy chị có cái lý của chị là không quản lý chồng theo kiểu “chồng đâu vợ đó”, miễn là khi về với mình thì chỉ biết mỗi mình là đủ. Anh chồng của chị đã làm đúng theo thỏa thuận này, vì thế, chị cảm thấy mình đã hạnh phúc. Hạnh phúc vì yên tâm. Tôi hỏi thêm, nếu cho chồng tự tung tự tác thế này, rủi anh ta có “phòng nhì” hoặc con rơi con rớt thì sao? Nghe tôi hỏi, chị đứng dậy mở tủ, lấy ra một tờ giấy A4, “vi phạm quy ước” là dẫn tới… choàng vai nhau ra đứng trước tòa mà song ca tình khúc lâm ly, mùi mẫn: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”.

Khi nghe câu chuyện này, lúc đó, tôi mới ngoài 30, nay đã bước qua dốc cuộc đời, ngẫm lại, tôi thấy rằng, chị bạn tôi là người tự tin trong trường hợp này. Tại sao lại có được sự tự tin? Bởi chị hoàn toàn tin cậy vào người chồng, dẫu có thế hoặc hơn cả thế thì anh ta cũng không dám vượt “đèn đỏ”. Tất nhiên sự tin cậy đó đã được chị kiểm chứng từ hành vi, tính cách, thói quen, quan điểm sống… của người chồng từ lúc yêu nhau cho đến lúc trải qua thời gian sống chung.

Một khi người chồng vẫn trong ranh giới cho phép của mình, không một lần vi phạm ắt người phụ nữ sẽ hoàn toàn tin cậy. Nói cách khác, hạnh phúc của họ có được là một khi họ tin tưởng, tin cậy vào sự thủy chung của chồng. Người chồng đó, không có biểu hiện “Có mới nới cũ”, không ăn nhằm đũa của kẻ bội bạc “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”…

Vậy, câu hỏi đặt ra, trong khi người người phụ nữ bằng lòng với những gì đã có và cảm thấy hạnh phúc thì người đàn ông thế nào?

Tôi dám quả quyết rằng, họ cũng đang hạnh phúc. Hạnh phúc ở chỗ bản thân mình, dù đã có vợ nhưng không rơi vào cảnh như ai kia bị ràng buộc “một tấc không đi, một ly không rời”, bất kỳ lúc nào cũng có “của nợ” lè kè đi theo “canh me”. Đã thế, tính cách tự do bay nhảy của thời độc thân vẫn vậy, vẫn có thêm nhiều mối quan hệ khác mà không bị “gấu mẹ” cấm đoán. Đã đủ chưa? Đã đủ cho người đàn ông cảm thấy hạnh phúc chưa? Chưa. Còn phải thêm một yếu tố quan trọng bậc nhất: Sở dĩ họ hạnh phúc vì họ đã hoàn toàn tin tưởng vào “hậu phương” đã thuộc về họ không thay lòng đổi dạ.

Qua trường hợp này, ta có thể tạm thời “chốt hạ” thế nào?

Thưa rằng, “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, do đó, quan niệm cụ thể về hạnh phúc, thế nào là hạnh phúc thì không một ai dám mạnh miệng cho rằng phải thế này, phải thế kia… Chỉ có thể dám quả quyết rằng, dù hoàn cảnh nào, môi trường nào, nghề nghiệp nào, thu nhập tài chánh thế nào v.v… người vợ/ người chồng cảm thấy hạnh phúc vẫn là lúc họ tin tưởng lẫn nhau. Hoàn toàn tin cậy vào lòng dạ “một nửa” của mình. Một khi đã tự ý thức như thế ắt mỗi người đều có cách điều chỉnh hành vi của mình để giữ lấy hạnh phúc hiện hữu mỗi ngày.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202303/quan-ly-chong-973814/