Quản lý hàng xách tay, cần chế tài đủ mạnh

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Mặc dù Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 15/10, nhưng đến nay hoạt động buôn bán hàng xách tay trên thị trường vẫn đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Theo các chuyên gia muốn quản lý hiệu quả mặt hàng này, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh để nâng tính răn đe.

Loạn giá hàng xách tay

Những năm gần đây, hàng xách tay ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam do tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay để trục lợi. Các hoạt động trên diễn ra công khai, tràn lan nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Hàng xách tay được bày bán công khai.

Khảo sát tại một số hội nhóm chuyên bán hàng xách tay, không khó để người dùng có thể tìm mua các mặt hàng từ sữa bột, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... được nhập khẩu theo đường xách tay từ nước ngoài về. Hỏi mua sữa bột từ một địa chỉ cửa hàng bán online các mặt hàng sữa ngoại nhập trên mạng xã hội, phóng viên được chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng có bán đầy đủ các loại sữa ngoại như sữa Morinaga giá từ 350.000 đồng - 500.000 đồng/hộp tùy trọng lượng, hay sữa Meiji hộp 800 gram xách tay trực tiếp từ Nhật Bản loại cho trẻ dưới 1 tuổi có giá khoảng 400.000 – 500.000 đồng/hộp, rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Theo chủ cửa hàng, trước đây, có rất nhiều loại sữa ngoại được bày bán nhưng bây giờ mọi người ưa dùng các thương hiệu sữa lớn và các hãng đã có hãng nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, với tâm lý “tin dùng hàng ngoại”, các loại sữa xách tay vẫn có giá hơn hàng nhập khẩu và được nhiều người tìm mua. “Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng, sữa sử dụng trong nội địa nước sản xuất và được người bán xách tay về thì sẽ có chất lượng và tiêu chuẩn tốt hơn so với sữa nhập khẩu. Hiện nay, việc làm giả làm nhái các sản phẩm nhập khẩu cũng diễn ra khá phổ biến nên việc mua hàng xách tay giúp mọi người yên tâm hơn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ” - chủ cửa hàng bán sữa online cho biết.

Cũng trên hội nhóm bán hàng xách tay, một cửa hàng mỹ phẩm khác cũng khá thoải mái khi chia sẻ với phóng viên về nguồn hàng của mình. Chủ cửa hàng này cho biết, phần lớn sản phẩm son, phấn, tẩy trang, nước hoa, xịt khoáng… của cửa hàng là hàng xách tay từ Pháp, Nga, Đức, Hàn Quốc và có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Về giá cả hàng xách tay có giá mềm hơn rất nhiều, ví dụ như serum của hãng mỹ phẩm Estee Lauder có giá niêm yết 3,4 triệu đồng/lọ 50ml, hàng xách tay cùng loại chỉ khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/lọ hay như son của hãng 3CE giá tại showroom Hàn quốc là khoảng 400.000 đồng trong khi đó hàng xách tay chỉ có giá khoảng từ 250.000 đồng…

Bên cạnh các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hút khách, các mặt hàng điện tử như điện thoại di động, laptop cũng được gắn mác hàng xách tay bán với giá rẻ hơn so với các nơi phân phối chính thức từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Chẳng hạn, iPhone Xs Max loại 256GB xách tay từ Nhật Bản chỉ khoảng 14 - 15 triệu đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng bán tại FPT Shop lên đến hơn 29 triệu đồng. Không chỉ chợ mạng, hiện nay hàng xách tay không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cũng được bán tràn lan ở các cửa hàng. Một số nơi bán với số lượng lớn trong khi thực tế, hàng xách tay được đưa về nước khá hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không.

Về phía khách hàng, dường như tâm lý chủ quan, sính hàng ngoại vẫn đang hiện hữu khá phố biến. Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ không quan tâm nhiều tới các nghị định hay quy định về buôn bán hàng xách tay. Với bản thân họ, họ thích dùng hàng xách tay vì cảm thấy yên tâm hơn, cảm giác sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn so với hàng nội địa. Chị Nguyễn Tú Anh (Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân) chia sẻ, trong gia đình chị, các mặt hàng quần áo cho trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, thuốc cho con… đều là những sản phẩm được mua từ nguồn hàng xách tay. Đặc biệt, thời gian này các nhãn hiệu nổi tiếng đang có các chương trình giảm giá lớn nên gần như mấy tháng nay chị mua sắm nhiều hơn với mục đích để sử dụng dần.

Nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe

Theo phân tích của các luật sư, hàng lậu là hàng vận chuyển qua biên giới mà không khai báo thủ tục hải quan đầy đủ. Đây là hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Đặc biệt là với tình trạng bán hàng xách tay tràn lan trên thị trường hiện nay thì các đối tượng lợi dụng hàng xách tay, hàng miễn thuế để đưa hàng về qua những đường tiểu ngạch, không khai báo hải quan. Điều này dẫn tới tình trạng Nhà nước thất thu thuế, không kiểm soát được chất lượng của những mặt hàng này.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, văn phòng luật sư Phạm Hải cho biết: Theo quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Việc nâng chế tài xử phạt bằng tiền lên gấp hai lần so với quy định cũ thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ khi Việt Nam đã là thành viên các hiệp định đa phương, song phương mà nước ta đã ký kết, tham gia.

Tuy nhiên, luật sư Loan cho rằng, việc tăng mức xử phạt này sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh hàng xách tay, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.

Do đó, theo các chuyên gia, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần các giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bởi thực tế, việc kinh doanh hàng xách tay hiện nay vẫn được giao dịch chủ yếu qua quảng cáo miệng, hàng hóa không thể được chứng minh là chính hãng. Trong khi đó, dưới các khuôn khổ hội nhập, hàng nhập khẩu chính hãng về Việt Nam sẽ ngày càng có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm bởi được kinh doanh, xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp uy tín. Do đó, để không gián tiếp tiếp tay cho các vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình./.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-ly-hang-xach-tay-can-che-tai-du-manh-115181.html