Quản lý nguồn nước: cần sự chung tay nhà nước-tư nhân

Các vấn đề về quản lý nguồn nước và vốn tại TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long được tập trung thảo luận tại hội thảo 'Đối thoại kinh doanh ngành nước: Khơi dòng tài chính' vào ngày 11-4, tại TPHCM. Các đại biểu thống nhất rằng cần giải pháp có tính liên kết về kỹ thuật, công nghệ và tài chính giữa khu vực công và tư nhân để chống lại nguy cơ biến đổi khí hậu và nguồn nước.

Cuộc hội thảo diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, ông Mark Rutte và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước, bà Cora van Nieuwenhuizen.

Doanh nghiệp hai nước ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội thảo “Đối thoại kinh doanh ngành nước: Khơi dòng tài chính”. Ảnh: Mỹ Huyền

Tại sự kiện, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết 17,8% diện tích khu vực TPHCM và 38,9% khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấp hơn mực nước biển 100 cm (số liệu năm 2016). Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay cần phải tính đến sự thay đổi khí hậu. Đặc biệt, TPHCM đang hướng tới việc phát triển đô thị thông minh nên cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng có đủ khả năng chống chọi với các vấn đề của đô thị hiện tại như chống lũ lụt, chống sụt lún...

Theo Bộ trưởng Coran van Nieuwenhuizen, Hà Lan mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác giữa hai nước để chia sẻ kiến thức về quản lý nước trong bối cảnh khí hậu thiên nhiên đang biến đổi từng ngày. Là một quốc gia đồng bằng có bờ biển dài như Việt Nam, Hà Lan sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về cách khơi nguồn tài chính cho các sáng kiến quản lý nước để ngăn chặn lũ lụt.

Mực nước biển dâng và sụt lún đất đã và đang gây ra những tác động không nhỏ đến TPHCM và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Các hiện tượng của biến đổi khí hậu sẽ gây xâm nhập mặn vào mùa khô, ngập lụt kéo dài vào mùa mưa, thiếu hụt nguồn nước sạch và ô nhiễm nguồn nước. Do đó, cần có giải pháp có tính liên kết về kỹ thuật, công nghệ và tài chính giữa khu vực công và tư nhân để chống lại nguy cơ từ thay đổi khí hậu và nguồn nước.

Cố vấn cao cấp về Cơ sở hạ tầng và PPP của Chính phủ Hà Lan, ông Jan van Schoonhoven, nhận định một số công ty cung cấp nước tại Việt Nam đã có đủ năng lực để ứng dụng các giải pháp về nguồn nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa thể tiếp cận được nguồn vốn thương mại. Lý do là chưa có sự bảo trợ của chính phủ và chưa có sự hợp tác công tư vững mạnh. Vì vậy, áp dụng giải pháp đối tác công tư trong lĩnh vực này sẽ thúc đẩy phát triển bền vững nguồn nước. Nếu Chính phủ Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và hỗ trợ tài chính cho các đơn vị này sẽ giải quyết được khó khăn về nguồn vốn. Giải pháp của Hà Lan là chú trọng tới nguồn tài chính từ khu vực tư nhân và các ưu đãi từ chính phủ cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn trong tương lai.

Các diễn giả tại hội thảo nhận định, đã đến lúc Việt Nam nên có sự chuẩn bị về môi trường, hạ tầng đô thị để đối mặt với các thách thức liên quan đến nước và tạo điều kiện kết nối các ban ngành trong nhiệm vụ bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bà Coran nhấn mạnh Hà Lan có thể hỗ trợ Việt Nam về các giải pháp quản lý nguồn tài nguyên nước bằng cách thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu.

Hiện nay, đã có nhiều chương trình hợp tác giữa hai nước trong việc quản lý nước như Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam-Hà Lan năm 2013 đang được triển khai. Tháng 5 tới, dự án Rồng Xanh, chương trình hợp tác với Cơ quan Chức năng nước Hà Lan sẽ được triển khai. Trong giai đoạn 3-4 năm, Việt Nam và Hà Lan sẽ hợp tác để đưa ra một cấu trúc quản trị kiểm soát nước ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo đã kết nối cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước với cộng đồng quản lý nguồn tài nguyên và tài chính Hà Lan. Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Hà Lan về đối tác công tư (PPP) trong phòng chống bão lụt và các giải pháp chống sụt lún đất đã được ký kết. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết các dự án: dự án cải thiện điều kiện làm việc của nhà nông từ cách nuôi trồng sạch xanh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giữa Phương Nam International JSC, GC International và AB Consult; dự án về kinh tế tuần hoàn giữa GC International, Nijhuis Industries, AB Consult, Royal IHC, NWP, Upp! và Hess ACC.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287428/quan-ly-nguon-nuoc-can-su-chung-tay-nha-nuoc-tu-nhan.html