Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản và phát triển đô thị: Cần phân quyền hơn cho Hà Nội

Ngày 06/11, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì hội nghị (ảnh).

Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Phan Thị Mỹ Linh và các cục, vụ chức năng của Bộ; Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Quốc Hùng, Ngô Văn Quý và các sở, ngành của TP Hà Nội.

Hà Nội đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản trong 10 tháng qua, UBND TP đã chỉ đạo thẩm định các dự án, thiết kế dự toán của công trình, tạo điều kiện cho các dự án triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện được nhanh hơn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Công tác cấp phép xây dựng và hậu kiểm sau cấp phép xây dựng trên địa bàn TP tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian cấp phép xây dựng đã thực hiện giảm xuống chỉ còn 10 ngày làm việc (theo quy định là 15 ngày đối với công trình nhà ở riêng lẻ, 30 ngày đối với công trình khác); đồng thời, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14/14 thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; UBND TP đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về cấp phép xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn thi công và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định 86 công trình, hạng mục công trình; kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn lao động - vệ sinh lao động tại 22 dự án.

Về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị, TP tiếp tục tập trung chỉ đạo đối với công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Hệ thống các tuyến đường giao thông quan trọng tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường. Công tác vệ sinh môi trường tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý, duy trì và trồng mới cây xanh, phát triển công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển nhà và tăng cường quản lý trật tự xây dựng.

Bên cạnh đó là những tồn tại cần được khắc phục, như: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm (đường sắt đô thị, tuyến đường khép kín vành đai…) còn chậm dẫn đến dự án phải bổ sung, điều chỉnh và đội vốn đầu tư. Ngoài ra, còn 44 công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công, công trình chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư còn nhiều bất cập trong việc sử dụng thang máy, hệ thống PCCC, tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà dẫn đến mất trật tự an ninh công cộng.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần được chú trọng như: Đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, kiến trúc xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các quận, huyện, thị xã; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, phấn đấu hoàn thành hệ thống đấu nối cấp nước tới 100% các hộ dân khu vực nông thôn; tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo trật tự xây dựng. Đồng thời thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, tập trung bảo vệ môi trường, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ hiện đại.

Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch; việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, cơ chế đặt hàng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư... Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi như: Cụ thể hóa % kết quả quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư; cho phép cưỡng chế vào tài khoản chủ đầu tư đang sử dụng đối với các dự án chây ì bàn giao kinh phí bảo trì. Đều cho phép TP nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua ý kiến của các đại biểu, đã có nhiều vấn đề được nêu ra thảo luận. Về những vấn đề này, TP giao các đơn vị, có kế hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó, phân công báo cáo Bộ hướng dẫn để hoàn thành các nội dung công việc.

Cần phân quyền hơn cho Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ rất ấn tượng đối với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của Thủ đô thời gian vừa qua. Hà Nội đã trở thành một đô thị đặc biệt với tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong quá trình phát triển nhanh đó cũng phát sinh những khó khăn thực tế. Qua các chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP có thể thấy Hà Nội đã nhận diện rõ các khó khăn và có đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề khó khăn. Vấn đề đặt ra phải tháo gỡ những khó khăn thế nào, phát huy thế mạnh và thành tựu của Hà Nội thế nào? Bộ Xây dựng sẽ phối hợp, đồng hành cùng Hà Nội để đưa ra được những giải pháp cụ thể, phù hợp cho TP phát triển bền vững hơn, tốc độ cao hơn.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: UBND TP Hà Nội cũng như TP.HCM là những đô thị đặc biệt, “tự thân” có điều kiện thu hút đặc biệt trong phát triển kinh tế. Do vậy, Bộ trưởng nhận định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hai TP này là “quản lý phát triển đô thị”. Theo Bộ trưởng, cần tạo sự thuận lợi, chủ động cho TP; giải quyết tháo gỡ, phân cấp ủy quyền phù hợp với năng lực thực tiễn của các cơ quan chuyên môn của TP.

Nhắc lại các ý kiến nêu tại Hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, các đại biểu nhấn mạnh đến 2 việc gồm: Thẩm quyền xử lý và quy trình xử lý thủ tục xử lý các vướng mắc khó khăn.

Theo Bộ trưởng Hà Nội là đô thị đặc biệt nên không thể xử lý các vấn đề như đối với các địa phương khác. Vì vậy, mức độ phân cấp, phân quyền phải cao hơn hẳn so với các địa phương khác.

Về các kiến nghị của Hà Nội tại Hội nghị, Bộ trưởng nhận xét, hầu hết các kiến nghị đều có cơ sở và được tổng kết từ thực tiễn, cần phải tháo gỡ để tạo thuận lợi cho Hà Nội quản lý phát triển đô thị. Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, nghiên cứu và có hướng giải quyết hoặc thông tin, phối hợp với TP cùng xử lý.

Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội chú ý phát triển nhà ở xã hội, trong đó cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, quy hoạch cụ thể về quy mô, không gian. “Bộ Xây dựng sẽ hết sức tích cực phối hợp tháo gỡ cùng với Hà Nội, nếu cần sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính để đảm bảo phát triển nhà xã hội theo đúng kế hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, hiện có nhiều văn bản, chính sách về việc này nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn. Do vậy Bộ trưởng mong muốn TP Hà Nội nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư, Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội chú ý phát triển nhà ở xã hội, trong đó cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, quy hoạch cụ thể về quy mô, không gian. “Bộ Xây dựng sẽ hết sức tích cực phối hợp tháo gỡ cùng với Hà Nội, nếu cần sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính để đảm bảo phát triển nhà xã hội theo đúng kế hoạch”.

PV

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/quan-ly-nha-nuoc-ve-dau-tu-xay-dung-co-ban-va-phat-trien-do-thi-can-phan-quyen-hon-cho-ha-noi.html