Quản lý những sự khác biệt!

Quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường đầy biến động luôn luôn đặt ra những thách thức không nhỏ. May mà nền kinh tế thị trường trên thế giới này xuất hiện có lẽ đã hàng ngàn vạn năm, rồi quản lý nhà nước đối với chúng cũng đã thuộc loại 'thâm căn cố đế', vậy mà sự tương tác của mối quan hệ này vẫn luôn luôn biến động, thay đổi, thích nghi một cách chật vật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện trên công luận đang nóng lên bởi một cụm từ “Nghị định 20” về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ tháng 5/2017. Nhiều DN lớn có, nhỏ có đã khẩn cấp kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại mức khống chế “trần lãi vay” được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20%, và cho rằng đây là yếu tố tác động xấu đến sự phát triển của nhiều DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Thực ra, mục tiêu của Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một DN khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ, quốc gia có thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Một trong những cách thức các DN này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ Cty mẹ sang Cty con để chuyển tiền lãi về nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, điều này lại không đúng đối với nhiều DN Việt Nam, tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong các DN có mô hình Cty mẹ - Cty con. Điều này làm hạn chế cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Bà Đinh Mai Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam nhận xét rằng, quy định này còn đặc biệt ảnh hưởng đến các DN BĐS khi cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ dài, gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Việc khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho DN, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của DN.

Chỉ nêu một vài phân tích nho nhỏ cũng có thể thấy hai dòng tiền trong cùng mô hình DN mẹ - con nêu trên có những sự khác biệt, một bên là dòng tiền chịu sự ảnh hưởng của hai chế độ thuế suất của hai quốc gia khác nhau và dòng kia vẫn luôn cùng trong chế độ thuế suất của một quốc gia.

Thiết nghĩ, nếu đã có sự khác biệt ấy thì việc quản lý Nhà nước cũng cần có một sự khác biệt mới là công bằng.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quan-ly-nhung-su-khac-biet.html