Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Công ty UBM Asia phối hợp với Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) tổ chức Hội thảo ngành nước VIETWATER 2018, với chủ đề 'Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững'.

Quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện trước thềm triễn lãm VIETWATER 2018 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 7 - 9/11, dự kiến thu hút sự tham gia của 500 đơn vị đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch VWSA cho biết: quản lý nước thông minh hướng tới phát triển bền vững là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành nước Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: Gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý vận hành, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn... Trước những khó khăn và thách thức đó, ngành nước Việt Nam đã và đang tập trung ưu tiên hơn cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Một số doanh nghiệp đầu đàn đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý nước thông minh hướng tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm. Hiện có 85,5 dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp tập trung; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo 24/24h và 30% còn lại chỉ cấp từ 8-20h/ngày đêm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại Việt Nam vẫn cao, bình quân 22,5%. Chính vì vậy, quản lý nước bền vững là một phần của sự phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai. Để đạt được quản lý nước bền vững đòi hỏi có một cách tiếp cận đa ngành và toàn diện, trong đó có liên quan đến kỹ thuật, môi trường, kinh tế, cảnh quan, xã hội và văn hóa.

Chia sẻ tại hội thảo các đại biểu cho rằng, tích hợp công nghệ 4.0 vào các ngành công nghiệp là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Với những cải tiến vượt trội, dựa trên nền tảng công nghệ số và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, công nghệ 4.0 sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành nước Việt Nam, bao gồm cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/quan-ly-nuoc-thong-minh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-107086.html